“Càng cuối nhiệm kỳ, điều hành của Chính phủ càng năng động”
(Dân trí) - Đánh giá cao điều hành của Chính phủ, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai) cho rằng, càng cuối nhiệm kỳ của Chính phủ thì điều hành của Chính phủ càng có hiệu quả và các thành viên càng năng động.
Nhiều nỗ lực đổi mới ở Chính phủ
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII vừa kết thúc. Đánh giá về điều hành của Chính phủ với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) cho rằng: Về công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong nhiệm kỳ này, đặc biệt là thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, tôi cho rằng Chính phủ đã thể hiện sự năng động và tích cực, nhất là các biện pháp ứng phó với tình hình bất ổn vĩ mô từ đầu nhiệm kỳ.
Hai là có nhiều nỗ lực trong đổi mới, cải cách thể chế kinh tế, những đạo luật mà Quốc hội thông qua liên quan đến các thể chế kinh tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, đều xuất phát từ một tư duy đổi mới mạnh mẽ từ phía Chính phủ, tôi rất ghi nhận.
Những lĩnh vực ưu tiên cần tập trung, như tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng, nỗ lực trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn, Tổng công ty, tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi đánh giá những kết quả đã đạt được. Những kết quả này đã đặt chúng ta trong một tình huống tương đối thuận lợi, ổn định để tiến tới thực hiện những bài toán lâu dài hơn trong tương lai, vì khi nền kinh tế bất ổn thì không thể nào tính toán chuyện lâu dài.
Ngoài ra, tôi đánh giá cao những chương trình tuy còn dang dở nhưng Chính phủ đã thực hiện tương đối các chương trình mục tiêu quốc gia để chúng ta đạt sớm các mục tiêu thiên niên kỷ, được thế giới đánh giá cao trong công tác an sinh xã hội và trên nhiều lĩnh vực khác.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, nỗ lực của Chính phủ trong việc tham gia các hiệp định song phương và đa phương thế hệ mới, những thành công trong đàm phán và gia nhập TPP, đó là những điều thấy rõ nét trong điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ này.
Còn theo đại biểu Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai): Tại kỳ họp này, chúng ta đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015, Thủ tướng Chính phủ đã nêu bật 9 thành tựu quan trọng trong thời gian vừa qua mà chúng ta đạt được, đồng thời nêu rất cụ thể 9 hạn chế, yếu kém và 5 bài học kinh nghiệm. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình và đánh giá cao báo cáo đó của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định thêm một điều là ưu điểm trong điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua.
Thứ nhất là ổn định nền kinh tế vĩ mô của đất nước. Điều đó không ai có thể chối cãi được. Thứ hai, ưu điểm trong thời gian vừa qua là công tác đối ngoại. Đối ngoại ở đây chúng ta có thể nói thành công trong đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân và đối ngoại Chính phủ, trong đối ngoại Chính phủ, tôi đánh giá rất cao đối ngoại kinh tế, đối ngoại quốc phòng, kể cả công tác ngoại giao của Chính phủ trong thời gian vừa qua.
Tôi bổ sung thêm một điểm sáng nữa, tức là các thể chế về kinh tế của chúng ta từng bước được hoàn thiện và đã nâng cao uy tín của các tổ chức đối với Việt Nam.
Một điểm sáng trong ngân hàng tài chính, chúng ta điều hành khá nhạy bén và khá tốt. Tôi đồng tình với một ý kiến của đại biểu Quốc hội là điểm sáng của chúng ta thời gian vừa qua là về giao thông. Tôi thấy mấy điểm đó cần phải đánh giá và biểu dương. Có thể nói rằng càng cuối nhiệm kỳ của Chính phủ thì điều hành của Chính phủ càng có hiệu quả và các thành viên của Chính phủ càng năng động. Tôi đồng tình với nhận xét đó.
Việt Nam sẽ giành được nguồn kích thích tăng trưởng mạnh mẽ
Nói về việc Việt Nam đàm phán thành công gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, chúng ta đã tìm ra được một con đường hòa nhập với thế giới.
“Việt Nam sẽ giành được nguồn kích thích tăng trưởng kinh tế cực kỳ mạnh mẽ sau khi TPP bắt đầu có hiệu lực. Ngành may mặc là một ví dụ điển hình vì đây là ngành chiếm phần đáng kể nhất trong tăng trưởng của cả nước. Nhờ TPP mở đường cho quần áo Việt Nam vào Mỹ với mức thuế 0%, lượng quần áo và giày dép xuất khẩu từ Việt Nam qua Mỹ có thể sẽ tăng mạnh đến 50% trong 10 năm tới.
Ngoài may mặc, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam như tôm, mực và cá ngừ sẽ được hưởng mức cắt giảm thuế nhập khẩu từ 6,4-7,2% xuống còn 0%. Điều này sẽ làm hồi sinh mảng xuất khẩu thủy hải sản, ngành công nghiệp từng là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam.
Theo tôi, đây là sự thành công của các thành viên Chính phủ đã không quản ngại khó khăn mà kiên trì theo đuổi Hiệp định này đến cùng”, ông Vinh nhấn mạnh.
Tại báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hang Thế giới (WB), nền kinh tế Việt Nam được đánh giá đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài với tăng trưởng GDP ước tính đạt mức 6,5% trong năm nay.
“Cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kì trung hạn của Việt Nam. Đây là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm khoảng đệm chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực ngân hàng”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.
Bàn thêm về TPP, WB cho rằng, TPP được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam.
“Hiệp định TPP mới hoàn tất gần đây sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường, mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại Việt Nam”, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ.
Là thành viên có mức thu nhập GDP/đầu người thấp nhất trong TPP, theo WB, Việt Nam có những lợi thế so sánh đặc biệt mà các thành viên khác không có, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động. Các kết quả mô phỏng cho thấy trong vòng 20 năm tới TPP sẽ đóng góp thêm 8% GDP của Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất. Mặc dù sẽ có nhiều thách thức, nhưng tác động chung của TPP đối với Việt Nam là tích cực.
Hiền Minh