1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cảng biển Việt Nam: Nơi quá tải, chỗ thiếu công suất

(Dân trí) - Hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2000 - 2010 được xem là đã phát triển cơ bản, hàng hóa thông qua tăng dần. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong quy hoạch, quản lý và khai thác cảng đang khiến giới chức đau đầu, đòi hỏi hướng giải quyết nhanh chóng.

Ông Đỗ Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thì nếu không kể các cảng nổi dầu thô ngoài khơi, hệ thống cảng biển Việt Nam có 30 cảng biển, với 166 bến cảng, 350 cầu cảng, tổng chiều dài khoảng 45.000m cầu cảng, năng lực thông qua khoảng 350 - 370 triệu tấn/năm (sản lượng năm 2011 là 291 triệu tấn). Một số cảng đang được xây mới, một số cảng đang hoạt động sẽ được xây dựng thêm theo quy hoạch. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam tại thời điểm mốc quy hoạch năm 2010 là 260 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo ông Thái nhiều bất cập trong đầu tư và khai thác cảng biển cũng bộc lộ khá rõ trong giai đoạn này, như: cảng Hải Phòng đang trong tình trạng quá tải. Các cảng ở nhóm 5 (khu vực Cái Mép -Thị Vải) mới được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác hoạt động chưa đạt công suất, hiệu quả đầu tư mong muốn, có tình trạng mất cân đối cung - cầu ngắn hạn tại khu vực này. Các cảng miền Trung ngoài cảng Quy Nhơn, hầu hết đều khai thác dưới công suất một phần do mức độ phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung cũng như sự hình thành, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp khu vực này chưa đạt so với các mục tiêu quy hoạch địa phương cũng như chuyên ngành; thiếu cầu bến cho tàu trọng tải lớn, đặc biệt là các bến cho tàu container vận hành trên tuyến biển xa.

Trong khi đó, ông Ngô Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 tại các cảng container thuộc nhóm cảng biển số 5 là rất đáng lo ngại. Hầu hết các cảng container khu vực Cái Mép - Thị Vải đều thua lỗ, cảng ít cũng 6 - 7 triệu USD, cảng lỗ nhiều tới 20 - 30 triệu USD.

“Nguy cơ mất cảng liên doanh vào tay các đối tác nước ngoài để họ chi phối thị trường kinh doanh dịch vụ cảng biển Việt Nam là điều có thể xảy ra.” - ông Tuấn lo lắng.
 
Hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ có những thay đổi trong quy hoạch, quản lý
Hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ có những thay đổi trong quy hoạch, quản lý
và khai thác giai đoạn chiến lược 2020 tầm nhìn 2030

Chuẩn tắc luồng tàu chưa phù hợp với quy mô cầu bến, nạo vét duy tu không kịp thời, chậm được cải tạo nâng cấp. Do vậy mặc dù công tác quản lý luồng lạch nói chung, hệ thống báo hiệu dẫn luồng nói riêng đã từng bước được hiện đại hóa song vẫn hạn chế rất lớn tới năng lực chung của hệ thống cảng... Hệ thống hạ tầng phục vụ logistics (một hoạt động tổng hợp mang tính dây chuyền - PV) yếu kém cả về năng lực vận tải và khả năng kết nối hệ thống cũng như kết nối giữa các phương thức vận tải.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thừa nhận tình hình nói trên và cho biết sự phối hợp giữa Bộ này với các địa phương có cảng chưa thực sự tốt, việc cấp đất, cấp phép đầu tư mặc dù tuân theo quy hoạch chuyên ngành nhưng phân mảnh, còn nhỏ lẻ và chưa đúng tầm nhìn quy hoạch dài hạn, không đảm bảo tính thống nhất trong các hoạt động kinh tế hàng hải, không đủ lực để phát triển thành những cảng lớn tầm cỡ khu vực. Có nơi, có lúc đã xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh, làm suy yếu và thiệt hại lẫn nhau giữa các nhà đầu tư, khai thác cảng. Việc áp dụng cơ chế cho thuê khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng từng phần hoặc toàn bộ là mô hình tiên tiến, hiện đại nhưng hiện mới chỉ được ứng dụng đơn lẻ tại một số bến cảng nên chưa phát huy đầy đủ hiệu quả.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 6 nhóm cảng biển trong hệ thống cảng biển quốc gia, gồm 39 cảng biển (không kể 15 cảng chuyển tải dầu thô ngoài khơi hiện hữu) với khoảng 180 bến cảng, trong đó gồm 3 cảng biển loại IA là cảng trung chuyển quốc tế; đáp ứng lưu lượng hàng hóa thông qua 500 - 600 triệu tấn/năm vào năm 2015, 900 - 1.000 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 1.600 - 2.100 triệu tấn/năm vào năm 2030.

“Giải pháp quan trọng nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân mảnh, chia rẽ, không tạo được sự thống nhất về nguồn lực cảng biển là quản lý chặt chẽ quỹ đất xây dựng cảng biển.” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Công, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát thống kê toàn bộ hệ thống cảng biển để đánh giá nhu cầu, sự cần thiết và tính khả thi đối với các dự án xây dựng chưa triển khai. Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, thực hiện đầu tư các dự án theo quy hoạch; Kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư đối với các dự án không thực hiện đúng thời hạn quy định.

Về thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, Thứ trưởng Công cho biết Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ tập trung nguồn vốn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển của các dự án trọng điểm, có tính bản lệ, đột phá; các bến cảng không thuộc diện cấp bách, sẽ thực hiện đầu tư theo hướng xã hội hóa. Ngoài ra, Bộ sẽ tiến hành rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hàng hải, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động; Tăng cường kết nối hạ tầng giao thông với cảng biển; Thu hút lượng hàng hóa thông qua các cảng thông qua việc xây dựng các trung tâm phân phối hàng hóa, các nhà máy sản xuất, lắp ráp, chế biến sau cảng…

Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm