1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Canada tìm cách "chặn" thương vụ bán mỏ vàng ở Bắc Cực cho Trung Quốc

Hương Vũ

(Dân trí) - Việc công ty nhà nước Trung Quốc mua mỏ vàng ở Bắc Cực dấy lên nhiều nghi ngại về nguy cơ Bắc Kinh mở rộng hiện diện ở khu vực có ý nghĩa chiến lược với giao thương và khai thác khoáng sản này.

Canada tìm cách chặn thương vụ bán mỏ vàng ở Bắc Cực cho Trung Quốc - 1
Giá trị chiến lược và tiềm năng chưa khai thác của khu vực này đã khiến một số thành viên phe đối lập Canada kêu gọi chính phủ Thủ tướng Canada phải ngăn chặn thương vụ trên. Ảnh: Getty

Công ty khai thác vàng Sơn Đông - thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc - sẽ phải chờ thêm ít nhất 45 ngày nữa mới biết được họ có thể mua lại công ty TMAC Resources - đơn vị khai thác vàng tại Canada - hay không. Nếu được chấp thuận, thương vụ mua bán này sẽ cho phép Sơn Đông tiếp cận được hầu hết các vùng cực bắc chiến lược tại Canada.

Theo SCMP, Công ty Sơn Đông đã chi 165 triệu USD để mua lại dự án khai thác vàng của TMAC ở vịnh Hope.

Nằm ở Nunavut, cực bắc của Canada, vịnh Hope không chỉ có trữ lượng vàng dồi dào, mà còn nằm gần tây bắc Passage, tuyến đường biển nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương qua Bắc Cực.

Dù tuyến đường biển này bị đóng băng gần như quanh năm và không thể đi qua, các nhà khoa học tin rằng biến đổi khí hậu sẽ sớm mở ra tuyến đường biển này, tạo ra một tuyến vận chuyển ngắn hơn giữa châu Á và châu Âu.

Heather Conley, nhà phân tích chính sách đối ngoại của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) - có trụ sở tại Mỹ - cho rằng, Trung Quốc muốn có quyền lợi ở Bắc Cực, bao gồm nguồn thực phẩm, nguồn khoáng sản và tiềm năng trao đổi hàng hóa qua khu vực.

Canada tìm cách chặn thương vụ bán mỏ vàng ở Bắc Cực cho Trung Quốc - 2
Tàu thăm dò tại Bắc Cực. Ảnh: Getty

Thương vụ TMAC thoạt nhìn có vẻ như không có vấn đề gì, nhưng đây là một trong số hàng loạt các thương vụ thâu tóm tài sản ở miền Bắc Canada của các công ty Trung Quốc, Conley cho biết.

Giá trị chiến lược và tiềm năng chưa khai thác của khu vực này đã khiến một số thành viên phe đối lập Canada, các cựu quan chức chính phủ kêu gọi Thủ tướng Justin Trudeau ngăn chặn thương vụ nói trên.

Theo luật Canada, chính phủ của Thủ tướng Trudeau sẽ quyết định xem có thông qua thương vụ trên hay không. Chính phủ Canada có quyền xem xét bất kỳ hoạt động thâu tóm nào của doanh nghiệp nước ngoài và có thể ngăn chặn thương vụ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Về phía Sơn Đông, công ty này khẳng định thương vụ chỉ đơn thuần là hợp đồng thương mại. "Chúng tôi coi đây là giao dịch khai thác vàng", Jack Yue, giám đốc công ty tuyên bố.

Trước công ty Sơn Đông, hai công ty khác của Trung Quốc là MMG và Jilin Jien Nickel Industry đã sở hữu tài sản tại các vùng lãnh thổ Bắc Cực của Canada. MMG đang sở hữu một mỏ kẽm, trong khi Jilin Jien đang khai thác một mỏ đồng.

Việc xem xét thương vụ mua lại TMAC diễn ra trong bối cảnh quan hệ Canada và Trung Quốc ở mức thấp nhất trong nhiều năm, sau khi giới chức Canada bắt Mạnh Vãn Chu - giám đốc tài chính Huawei - tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc - theo yêu cầu của Mỹ. Bắc Kinh sau đó cũng bắt và truy tố hai công dân Canada tội gián điệp. Hai công dân Canada đang bị giam giữ tại Trung Quốc.

Theo kết quả từ cuộc tham dò do Nanos Research vào hồi tháng 7, 53% người dân Canada cho rằng, chính phủ nên có những biện pháp cứng rắn hơn, yêu cầu chính phủ theo đuổi các biện pháp cứng rắn hơn, buộc Trung Quốc thả hai công dân Canada. Ngoài ra, họ còn yêu cầu chính phủ chặn công ty Trung Quốc mua lại các công ty Canada, từ chối cho quan chức chính phủ Trung Quốc và gia đình của họ sinh sống hoặc học tập ở nước này.