Bộ trưởng Tài chính:

“Cần tiếp tục kích cầu ở mức độ nào đó”

(Dân trí) - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, vẫn phải duy trì kích cầu ở mức độ nào đó để kích thích nền kinh tế. Theo đó, việc hỗ trợ cho dự án đầu tư, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất... nên duy trì tiếp.

Dưới góc nhìn của ngành tài chính, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của gói kích cầu vừa qua?
 
Kích cầu của Chính phủ gồm rất nhiều kênh, có kênh trực tiếp từ ngân sách nhưng cũng có kênh từ tín dụng. Vậy nên đánh giá phải chia thành từng kênh một.
 
Tựu chung lại, như Chính phủ đã khái quát, khó khăn nhất của suy giảm kinh tế mình đã vượt qua được, giờ bắt đầu phục hồi. Số liệu thể hiện rất rõ, quý I chỉ tăng trưởng có 3,1%, đến quý II, III, IV đã tăng trưởng rất tốt. Tổng thể của cả gói kích cầu như vậy đã phát huy tác dụng.
 
Chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của khủng hoảng, vậy trong thời gian tới có cần thiết phải tiến hành gói kích cầu thứ 2?
 
Đúng là đã phục hồi nhưng nền kinh tế vẫn chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao như trước khi khủng hoảng. Năm nay chỉ tăng trưởng 5,2%, năm sau đặt mục tiêu 6,5%, chưa thể cao như mức ban đầu đề ra là 7,5 - 8%.
 
“Cần tiếp tục kích cầu ở mức độ nào đó” - 1
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Nên dừng hỗ trợ ngắn hạn (Ảnh: Việt Hưng)
 
Vậy nên vẫn phải duy trì kích cầu ở mức độ nào đó để kích thích nền kinh tế nhưng không thể duy trì mức độ như lúc suy giảm. Chính vì thế, về phía ngành tài chính cũng kiến nghị về thuế thì thôi, không tiếp tục miễn giảm.
 
Việc hỗ trợ cho dự án đầu tư, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất hay mua sắm thiết bị, tài sản cố định thì nên duy trì. Hỗ trợ này có tác động dài đến nền kinh tế và còn 1 khía cạnh khác rất quan trọng là từng bước cơ cấu dần lại nền kinh tế.
 
Còn hỗ trợ ngắn hạn, chủ yếu là hỗ trợ vốn lưu động, theo tôi thì nên dừng.
 
Trong đề án cấu trúc lại nền kinh tế có đề cập tới việc giãn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 tháng đầu năm 2010 tới?
 
Nhìn chung, cuối năm kinh tế đã có những bước phục hồi nhưng năm ngoái đã giãn 6 tháng, cộng với thuế phát sinh của năm 2010 nên có những thời điểm doanh nghiệp sẽ phải nộp những khoản lớn một lúc.
 
Vì vậy chúng tôi mới trình với QH phương án cho giãn 3 tháng để cho DN chủ động hơn trong việc nộp thuế.
 
Kim ngạch xuất khẩu của chúng ta năm nay sụt giảm rất lớn, vậy mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu năm tới 6% thì sao, thưa ông?
 
Mục tiêu này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng tôi tin có khả năng thực hiện được. Năm nay khó khăn như thế nhưng nếu xét về lượng thì xuất khẩu của chúng ta vẫn tăng, chúng ta giảm chủ yếu là do giá.
 
Sang năm nếu kinh tế thế giới phục hồi được như đà này thì có khả năng giá nguyên, nhiên vật liệu, do cân đối cung cầu, cũng có thể nhích lên. Tính toán với những cân đối kể cả về vốn, về mức tăng trưởng kinh tế thì tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6% là khả thi.
 
Xin cám ơn ông!
 
Tân Thảo (ghi)