1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền tỷ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

(Dân trí) - Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền mặt hàng tỷ đồng cho DN đầu tư vào trồng cây mắc ca, chăn nuôi gia súc gia cầm, giết mổ gia súc gia cầm, sấy và chế biến nông sản… Tuy nhiên, dư luận vẫn còn hoài nghi về mức độ khả thi của chính sách này.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp với Nông thôn mới được tổ chức sáng 22/5 tại Hà Nội, ông Đinh Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013 ngày 19/12/2013 nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn. Tuy nhiên, đến năm 2015 nghị định mới bắt đầu được triển khai thực hiện, theo đó nhà đầu tư vào nông lâm thủy sản được hỗ trợ tiền mặt từ 2-20 tỷ đồng/dự án đầu tư tùy vào lĩnh vực đầu tư.

Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền mặt cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (Ảnh minh họa)
Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền mặt cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (Ảnh minh họa)

Cụ thể, sẽ hỗ trợ thấp nhất 2 tỷ đồng/dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung công nghiệp với quy mô tối thiểu là 400 con gia súc hoặc 4.000 con gia cầm hoặc 200 gia súc  và 2.000 gia cầm.

Dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì còn được hỗ trợ thêm 70% chi phí và không quá 5 tỷ đồng xây dựng các hạng mục trên.

Dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô tập trung được hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án, riêng với chăn nuôi bò sữa cao sản mức hỗ trợ là 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị.

Để nhận được hỗ trợ trên, dự án cần có quy mô chăn nuôi thường xuyên tập trung từ 1.000 con trở lên đối với lợn thịt, hoặc 500 con trở lên đối với trâu, bò, dê, cừu thịt, hoặc từ 200 con đối với bò thịt cao sản nhập ngoại, hoặc từ 500 con đối với bò sữa cao sản.

Dự án trồng cây dược liệu, cây mắc ca có quy mô từ 50ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng /ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất cây giống mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm  trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở và không quá 2 tỷ đồng.

Dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì còn được hỗ trợ thêm 70% chi phí và không quá 5 tỷ đồng xây dựng các hạng mục trên.

Các dự án được hỗ trợ phải nằm trong quy hoạch được duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc chấp thuận cho phép đầu tư của UBND cấp tỉnh nếu chưa có quy hoạch được duyệt; cây dược liệu nằm trong danh mục quy định ưu tiên và khuyến khích phát triển của Bộ Y tế; nhà đầu tư phải sử dụng tối thiểu 30% lao động địa phương.

Nhà đầu tư có dự án nuôi trồng hải sản tập trung trên biển hoặc ven hải đảo được hỗ trợ ngân sách nhà nước là 100 triệu đồng cho 100m3 lồng nuôi đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển cách xa bờ trên 6 hải lý hoặc ven hải đảo. Hỗ trợ 40 triệu đồng cho 100m3 lồng đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển gần bờ.

Để nhận được hỗ trợ trên thì các dự án phải nằm trong quy hoạch được duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chấp thuận cho phép đầu tư của UBND cấp tỉnh nếu chưa có quy hoạch đầu tư; dự án phải có quy mô tối thiểu 5ha hoặc có 10 lồng nuôi từ 100m3/lồng trở lên. Nhà đầu tư phải sử dụng tối thiểu 30% lao động địa phương.

Nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, sấy phụ phẩm thủy sản, chế biến cà phê theo phương pháp ướt được ngân sách nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng/dự án đối với sấy lúa, ngô, khoai, sắn, sấy phụ phẩm thủy sản để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị.

Hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án đối với sấy cà phê theo phương pháp ướt để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị.

Dự án được hỗ trợ phải có công suất tối thiểu 150 tấn sản phẩm/ngày với cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn. Sấy phụ phẩm thủy sản phải đạt tối thiểu 50 tấn sản phẩm/ngày. Chế biến cà phê theo phương pháp ướt đạt tối thiểu 5.000 tấn sản phẩm/năm.

Các dự án phải nằm trong quy hoạch được duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chấp thuận cho phép đầu tư của UBND cấp tỉnh nếu chưa có quy hoạch đầu tư. Dự án phải đảm bảo các yêu cầu quy định về môi trường, nhà đầu tư phải sử dụng tối thiểu 30% lao động địa phương và sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu lúa, ngô, khoai, sắn phụ phẩm thủy sản, và cà phê tại địa phương.

Nhà đầu tư có dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng, tre công nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ 20 tỷ đồng/nhà máy sản xuất gỗ MDF quy mô trên 30.000m3 gỗ MDF/năm trở lên. Hỗ trợ đầu tư 10 tỷ đồng/nhà máy đối với các nhà máy chế biến ván dăm, tre ép công nghiệp có quy mô trên 20.000m3 trở lên để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện nước, nhà xưởng và xử lý chất thải.

Hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm với mức 1.500 đồng/tấn/km; khoảng cách được tính từ địa điểm đặt nhà máy đến đến trung tâm TP Hà Nội hoặc trung tâm TP Đà Nẵng, hoặc trung tâm TPHCM theo đường ô tô gần nhất. Khối lượng vận chuyển tính theo công suất thiết bị thực tế của nhà máy. Thời gian tính hỗ trợ là 5 năm, tổng hỗ trợ được chia làm 3 lần kinh phí hỗ trợ ngay sau khi hoàn thành nhà máy đảm bảo tối thiểu 70% kinh phí hỗ trợ.

Để được hỗ trợ các dự án phải đảm bảo nhiều điều kiện gồm: Dự án được chấp thuận cho phép đầu tư của UBND cấp tỉnh; diện tích rừng trồng và nguyên liệu hiện có trên địa bàn tỉnh phải đủ cho nhà máy hoạt động tối thiểu 60% công suất trong 5 năm đầu tiên. Dự án phải sử dụng tối thiểu 30% lao động địa phương. Tổng công suất thiết bị thực tế của các nhà máy được hỗ trợ vận chuyển không quá 200.000 tấn cho mỗi tỉnh.

Nhà đầu tư có dự án đầu tư nhà máy hoặc cơ sở bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ sở sản xuất sản phẩm phụ trợ; chế tạo thiết bị cơ khí để bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản được ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 60% chi phí và tổng mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ không quá 70% chi phí xử lý chất thải cho các nhà máy này. Hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm với mức 1.500 đồng/tấn/km; khoảng cách được tính từ địa điểm đặt nhà máy đến đến trung tâm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. . Khối lượng vận chuyển tính theo công suất thiết bị thực tế của nhà máy. Thời gian tính hỗ trợ là 5 năm.

Các dự án được hỗ trợ phải có giá trị sản phẩm sau chế biến gia tăng ít nhất 2 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường,.. Dự án phải sử dụng tối thiểu 30% lao động địa phương và sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu nông lâm thủy sản tại địa phương.

Các hỗ trợ này đều được chi trả sau khi doanh nghiệp triển khai đầu tư xong. Điều này có ngĩa là doanh nghiệp phải đầu tư thêm khoảng 50% vốn để hoàn thành dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành thông tư số 05/2014/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện nghị định này trong đó quy định các mẫu đơn để doanh nghiệp điền và làm hồ sơ xin hỗ trợ.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đây là chính sách rất hay và sẽ khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào nông lâm thủy sản.Tuy nhiên, điều quan trọng là khâu thực thi làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ một cách đơn giản nhất, tránh tình trạng thủ tục rườm rà, buộc doanh nghiệp phải bỏ phí bôi trơn để nhận ưu đãi thì ròng tiền sẽ không đem lại lợi ích đầu tư như mong đợi.

Nguyên An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm