TP.HCM

Cận Tết, gian hàng bánh kẹo, dầu ăn tấp nập khách, sức mua tăng gấp 4 ngày thường

(Dân trí) - Dịp cuối năm, những gian hàng sản phẩm bánh kẹo, mứt, dầu ăn tại các siêu thị ở TPHCM luôn tấp nập người mua. Theo các siêu thị, lượng khách đến tham quan, mua sắm tại gian hàng bánh kẹo, dầu ăn đã tăng khoảng 3 – 4 lần so với ngày bình thường.

Cận Tết, gian hàng bánh kẹo, dầu ăn tấp nập khách, sức mua tăng gấp 4 ngày thường - 1

Gian hàng bánh kẹo tại các siêu thị luôn có đông khách đến mua sắm. Ảnh: Đại Việt

Chị Hồ Thu Hằng (ngụ quận 10) cho biết, chị tranh thủ đi sắm bánh kẹo, mứt Tết sớm vì sợ càng cận Tết thì người mua càng đông.

“Bây giờ mua sớm thì đỡ phải chen chúc, đến 28 – 29 Tết là siêu thị đông người lắm, mua hàng rất cực”, chị Hằng nói.

Theo ghi nhận của Dân trí, nhiều loại bánh kẹo phục vụ mùa Tết cả nội lẫn ngoại đều đã chất đầy các kệ trong siêu thị. 

Nhiều loại bánh kẹo tại các siêu thị thu hút lượng khách đông đảo khi giảm giá đến gần 40% đối với các khách hàng có thẻ thành viên của siêu thị. Một số loại bánh có giá 230.000 – 240.000 đồng/hộp, giảm giá còn 140.000 – 150.000 đồng/hộp.

Cận Tết, gian hàng bánh kẹo, dầu ăn tấp nập khách, sức mua tăng gấp 4 ngày thường - 2

Kẹo dẻo, rau câu được đổ vào các thùng lớn trong siêu thị để người dân lựa chọn. Ảnh: Đại Việt

Các loại kẹo dẻo được đổ đầy vào các thùng lớn có giá khoảng 70.000 đồng/kg, kẹo bí xanh 290.000 đồng/kg, kẹo gạo lứt 160.000 đồng/kg, thạch rau câu 47.000 đồng/kg. Các loại mứt có giá từ 40.000 – 150.000 đồng/hộp, tùy trọng lượng.

Đại diện Công ty Mondelez Kinh Đô chia sẻ, Tết năm nay, các sản phẩm của doanh nghiệp này sẽ được thiết kế bao bì “độc”, khác biệt và có ý nghĩa với người dùng. Ngoài việc phân phối trong siêu thị thì doanh nghiệp còn phân phối tại các cửa hàng lớn, nhỏ trên toàn quốc cũng như phân phối trên các kênh online.

Cận Tết, gian hàng bánh kẹo, dầu ăn tấp nập khách, sức mua tăng gấp 4 ngày thường - 3

Gian hàng dầu ăn cũng nườm nượp khách đến mua sắm. Ảnh: Đại Việt

Tại gian hàng dầu ăn của các siêu thị, người mua cũng rất tấp nập. Theo chị Linh, một nhân viên làm việc tại siêu thị Co.opmart, trong 2 ngày qua, lượng khách đến tham quan, mua sắm tại gian hàng dầu ăn đã tăng khoảng 3 – 4 lần so với ngày bình thường. Các nhân viên tại gian hàng dầu ăn phải luôn tay chất thêm dầu ăn lên kệ để phục vụ khách.

Đại diện Công ty dầu thực vật Tường An nhận định, sức mua của thị trường hàng tiêu dùng (FMCG) trong mùa Tết 2020 tăng trưởng gấp 2 lần so với ngày thường. Trong đó, quà biếu chính là đòn bẩy chính thúc đẩy tăng trưởng cho ngành dầu ăn.

“Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mạnh tay cho các sản phẩm cao cấp. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, đặt kế hoạch sản lượng tăng từ 12 – 15% so với Tết năm 2019”, đại diện Công ty Tường An nói.

Cận Tết, gian hàng bánh kẹo, dầu ăn tấp nập khách, sức mua tăng gấp 4 ngày thường - 4

Dầu ăn là một trong những mặt hàng thiết yếu và được mua sắm nhiều trong dịp Tết. Ảnh: Đại Việt

Ngoài bánh kẹo, mứt, dầu ăn thì gian hàng thịt heo, nước mắm, gia vị, rau củ, giò chả cũng nườm nượp khách mua sắm. Các loại đặc sản vùng miền luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn như nước mắm Phú Quốc, chả mực Hạ Long, tôm Cà Mau, bánh tráng Tây Ninh, hạt điều Bình Phước…

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (đơn vị sở hữu chuỗi BigC, GO!) cho biết, từ nay đến Tết nguyên đán, các siêu thị thuộc tập đoàn này sẽ bán thịt heo với giá vốn, tức không lợi nhuận.

Theo đại diện của Central Retail, thời gian gần đây, giá thịt heo tăng cao kỷ lục. Sự tăng giá ”phi mã” đã tác động không nhỏ đến cuộc sống người dân. Thịt heo tăng giá cũng kéo theo sự tăng giá của nhiều ngành thực phẩm khác, kể cả những sản phẩm không chế biến từ thịt heo. Nhu cầu về thịt heo trong dịp Tết tăng nhanh khiến giá cả mặt hàng này càng trở nên khó kiểm soát. Từ thực tế đó, hệ thống siêu thị Big C, GO! cam kết bán thịt heo phi lợi nhuận trong thời gian từ nay đến Tết. 

Cận Tết, gian hàng bánh kẹo, dầu ăn tấp nập khách, sức mua tăng gấp 4 ngày thường - 5

Thịt heo tươi bán phi lợi nhuận tại siêu thị BigC. Ảnh: Đại Việt

Bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc khối ngành bán lẻ Nielsen Việt Nam chia sẻ, ở thị trường châu Á nói chung và người tiêu dùng Việt Nam nói riêng vẫn thích việc mua sắm tại chỗ hơn là mua trực tuyến.

Số liệu của Viện Brookings (Hoa Kỳ) cho thấy, dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, đạt ở mức 19% trong giai đoạn 2020-2025. Con số này cao hơn nhiều so với mức 14% ghi nhận trong thập kỷ qua và cao hơn mức tăng bình quân dự kiến của toàn khu vực trong cùng giai đoạn 2020-2025 là 11%.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, với hơn 90 triệu dân, Việt Nam đang thu hút các nhà bán lẻ nhờ dân số trẻ với 70% dân số ở độ tuổi từ 15 – 64 tuổi. Dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng GDP cao, tầng lớp trung lưu gia tăng hứa hẹn sẽ là động lực chính cho thị trường tiêu dùng và bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ.

 Đại Việt