Cần quy trách nhiệm trước khi tái cơ cấu Vinashin

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đầu tháng 11 sẽ có 1 Vinashin mang diện mạo mới. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng: Trước khi tái cơ cấu phải quy đến cùng đối với những ai, những cơ quan nào chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Cần có cơ chế riêng giám sát Vinashin
 
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, cho biết: Chậm nhất cuối tháng 10, đầu tháng 11 sẽ có một Vinashin mang diện mạo mới.
 
Vinashin mới với ngành nghề chính, ngành nghề phụ trợ, đi theo đó là hệ thống đào tạo đội ngũ, để rồi mục tiêu cuối cùng là tạo ra một ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam.
 
Vinashin này làm vai trò chủ lực, không phải làm tất cả. Nước ngoài vẫn có thể làm, tư nhân có thể làm nhưng Vinashin này phải tạo ra chủ lực để đóng những con tàu lớn, sửa chữa con tàu lớn, có thể tham gia vào công nghiệp tàu thủy của quốc phòng…
 
Cần quy trách nhiệm trước khi tái cơ cấu Vinashin - 1
ĐBQH Phạm Thị Loan (ảnh: Việt Hưng).
 
Theo quan điểm của ĐBQH Phạm Thị Loan, quyết định tái cơ cấu Vinashin của Chính phủ là đúng đắn bởi, chúng ta không thể để tập đoàn này phá sản theo các nước phương Tây mà phải tái cơ cấu lại nó.
 
“Nhưng trước khi tái cơ cấu phải quy trách nhiệm cho đến cùng đối với những ai, những cơ quan nào chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân. Ngoài các lãnh đạo liên quan trực tiếp đến Vinashin, các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính... cũng phải thấy rõ vai trò trách nhiệm của mình”, bà Loan nhấn mạnh.
 
Cũng theo vị đại biểu này: Với thất thoát, tổn thất của Vinashin, chúng ta cần phải có đường lối quản lý giám sát tập đoàn này cũng như các tập đoàn kinh tế khác để không rơi vào tình trạng như “Vinashin cũ”.
 
Kế hoạch kiểm toán Vinashin bị trì hoãn nhiều lần
 
Theo Trưởng đoàn ĐBQH Hưng Yên Vũ Quang Hải, ngay khi Ủy ban Kiểm tra TƯ công bố sai phạm ở Vinashin, ông đã gửi chất vấn lên Tổng Kiểm toán Nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ.
 
Vị đại biểu này đã nhận được câu trả lời của Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ sớm 1 tháng trước khi khai mạc kỳ họp. Còn Tổng Thanh tra Chính phủ đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
 
Trả lời chất vấn của đại biểu Hải, Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ cho biết: Cơ quan này từng nhiều lần lên kế hoạch kiểm toán Vinashin, ngay từ khi Vinashin còn chưa nâng cấp lên tập đoàn, nhưng rồi đều bị tạm dừng kế hoạch để tránh trùng lặp với Thanh tra Chính phủ.
 
Từ lúc Vinashin đi vào hoạt động (2006) đến nay, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã hai lần xây dựng kế hoạch kiểm toán đối với tập đoàn này. Năm 2008, KTNN đã lên kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính của tập đoàn, nhưng do Thanh tra Chính phủ đã đưa Tập đoàn Vinashin vào kế hoạch thanh tra năm 2009 - nhưng rồi lại hoãn - nên theo quy chế phối hợp và để tránh trùng lặp, KTNN đã đưa ra ngoài kế hoạch và lùi sang năm 2010.
 
Tuy nhiên, kế hoạch này lại tiếp tục bị "trì hoãn" bởi không được phê duyệt. Cụ thể, khi gửi cho Thanh tra Chính phủ, thì ý kiến của cơ quan này là: "Thanh tra Chính phủ thấy có sự trùng lặp về một số lĩnh vực và đối tượng kiểm toán".
 
Như vậy, từ 2006 đến nay, KTNN đã hai lần xây dựng kế hoạch nhưng chưa thực hiện được việc kiểm toán Vinashin là do cơ chế phối hợp và tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
 
Nguyễn Hiền - Nguyễn Ngọc