1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vinashin - Lỗ hổng của cơ chế điều hành

(Dân trí) - “Vinashin thể hiện cơ chế, điều hành của chúng ta chưa đáp ứng và không chặt chẽ. Nếu để thế mà nó phát triển rộng ra hoặc lan ra hoặc thành tính phổ biến thì phải nói hoạt động của các tập đoàn đi vào phá sản là tất yếu”.

Vinashin - Lỗ hổng của cơ chế điều hành - 1
Đầu tư dàn trải khiến Vinashin trở thành con nợ (ảnh minh họa).
 
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Quốc hội, TS. Cao Sỹ Kiêm đã nhấn mạnh như vậy khi nói về Vinashin.
 
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, khá nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã chia sẻ với báo giới về vai trò của kinh tế Nhà nước và các vấn đề liên quan đến quản lý những tập đoàn kinh tế chủ lực.
 
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Việc đầu tư của các tập đoàn là vấn đề lớn, có thiếu sót của một số tập đoàn thuộc doanh nghiệp nhà nước. Như đầu tư Vinashin, đầu tư hàng bao nhiêu tỷ USD nhưng giá trị mang lại chưa có nên nó ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
 
Nghị Quyết Trung ương 3 khóa 9, chúng ta cho tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề, tạo quyền tự chủ tối đa. Thậm chí khi làm nghị quyết đó, chúng ta đưa vào luật theo mô hình nới rộng quyền cho các tập đoàn.
 
Luật doanh nghiệp nhà nước khi quán triệt nghị quyết trung ương 3 đã trao đặc quyền về đầu tư cho các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước cho HĐQT và trong trường hợp nào đó HĐQT được ủy quyền cho tổng giám đốc quyền quyết định các dự án đầu tư có giá trị bằng 50% giá trị tài sản tập đoàn là tổng công ty nhà nước theo ngân sách. Nghĩa là cho đầu tư 50% giá trị tài sản theo sổ sách là cực kỳ lớn.
 
“Hồi kiểm tra năm 2008, chúng tôi phát hiện vấn đề này. Ví dụ như họ có được 100 nghìn tỷ đồng vốn tài sản đăng ký theo sổ sách thì ông chủ tịch tập đoàn đó có quyền quyết định đến 50 nghìn tỷ đồng. Như vậy, khi chúng ta mở thì mở vô cùng và khi ấy ngay cả việc giám sát đầu tư chúng ta bỏ hết.
 
Nghĩa là quyền quyết định đầu tư là của họ, quyền giám sát đầu tư lại không đưa vào luật và như vậy, đây là một lĩnh vực hoạt động đầu tư không được giám sát. Ngay khi Chính phủ cử chúng tôi đi kiểm tra các tập đoàn kinh tế năm 2008, vào các tập đoàn họ không tiếp. Khi ấy chúng tôi phải nói là đây là làm theo chỉ định đột xuất”, ông Phúc nói.
 
Đánh giá về vai trò và hiệu quả của các tập đoàn kinh tế Nhà nước hiện nay, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho biết: Trong quá trình công nghiệp hóa, kinh tế Nhà nước có vị trí quan trọng. Trong quan hệ thị trường, nó là lực lượng vật chất để giải quyết những khuyết tật của thị trường mà các lực lượng, thành phần khác không tham gia được.
 
Với vai trò như vậy, ngay cả những nước phát triển, như Pháp sau thế chiến thứ hai, lực lượng này cũng chiếm trên 50% trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, qua mỗi giai đoạn, vị trí lịch sử của nó cũng có thay đổi chứ không phải là mãi mãi.
 
“Tại Việt Nam, chủ trương sử dụng lực lượng kinh tế Nhà nước, cụ thể là các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước để thực hiện các chức năng như vậy, về mặt chủ trương tôi cho là đúng. Tuy nhiên quá trình thực hiện chủ trương như vậy và qua thực tế, còn nhiều vấn đề chúng ta cần phải tính lại.
 
Qua sự kiện các tập đoàn, chúng ta chủ trương là thí điểm nhưng dường như các tập đoàn ra đời như trăm hoa đua nở, dẫn đến một lỗ hổng về cơ chế quản lý, đặc biệt là lỗ hổng về mối quan hệ giữa chủ sở hữu (là toàn dân, Quốc hội, Chính phủ) với những người đại diện ở các doanh nghiệp đó đã xuất hiện”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.
 
Vị đại biểu này lấy dẫn chứng: “Từ năm 2005, khi Luật Doanh nghiệp ra đời đã xác định tới 1/7/2010, Luật Doanh nghiệp không còn hiệu lực nữa nhưng tất cả doanh nghiệp đều hoạt động trên khung chung của Luật này. Vì với doanh nghiệp Nhà nước, Luật không còn hiệu lực thì mối quan hệ giữa chủ sở hữu với những người địa diện vốn về quyền và trách nhiệm sẽ như thế nào?
 
Đến đây, chúng ta lại lúng túng là không có một văn bản nào quy định hay hướng dẫn cụ thể. Nhiều lần tôi đã đề nghị để bổ sung cái lỗ hổng đó, cụ thể là Quốc hội cần sớm ban hành một đạo luật kinh doanh vốn Nhà nước, nhưng tới nay, Chính phủ cũng chưa có chuẩn bị để làm việc này. Tôi cho rằng, Vinashin là một điển hình thể hiện lỗ hổng này”.
 
Đồng tình với các ý kiến trên, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho hay: Đáng chú ý là chủ trương đa ngành đa nghề đã mở rộng quyền cho các tập đoàn kinh tế nhà nước. Có những tập đoàn luôn luôn kêu là thiếu vốn mà cứ đem đi đầu tư những chỗ khác.
 
“Trong khi đó, hiệu lực thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao, nhiều vi phạm chậm phát hiện, khi phát hiện ra thì hậu quả quá lớn. Chúng ta luôn chỉ ra rằng cơ chế còn nhiều bất cập, nhưng cơ chế cụ thể là gì chứ cơ chế cũng do ta “đẻ” ra. Thanh tra do ai tổ chức? Nếu ko phát hiện thì hẳn là ta “đóng dấu” cho các sai phạm này” - Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) bức xúc lên tiếng.
 
Để tháo gỡ những tồn tại trên, theo gợi ý của đại biểu Trần Du Lịch: “Ở các nước, những tập đoàn lớn của nhà nước, điều lệ hoạt động của họ trên cơ sở đạo luật của Quốc hội.
 
Chính vì vậy, từ thực tiến Vinashin, chúng ta phải nhìn vào cái gốc vấn đề, để xảy ra tình trạng như vậy là do thiếu sự công khai minh bạch trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
 
Do đó, tôi đề nghị Quốc hội có một nghị quyết yêu cầu Chính phủ, tất cả các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải minh bạch, công khai báo cáo tài chính giống như những công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán để cho xã hội giám sát.
 
Tiến tới lâu dài, những tập đoàn của Nhà nước hàng năm phải báo cáo với Quốc hội về kết quả hoạt động, ít ra là tổng hợp các hoạt động của mình để một cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội.
 
Tôi thấy vấn đề gì báo cáo trước Quốc hội và được toàn dân tham gia giám sát đều rất hiệu quả. Nếu chúng ta làm được việc này, thì không thể có chuyện báo cáo láo, giấu giếm được”.
 
Còn theo TS. Cao Sỹ Kiêm, thời gian tới, để khu vực doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả điều cần ưu tiên là tiến hành cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
 
“Cổ phần hóa sẽ tạo điều kiện cho tư nhân tham gia và vai trò khống chế của anh tụt xuống. Đây là con đường thoát nhanh nhất các nước đã làm và chúng ta phải thực hiện mới có thể chuyển cơ cấu được. Bên cạnh đó, chúng ta cần xóa triệt để bao cấp, những vấn đề ưu tiên bởi nếu còn những vấn đề này, không thể nào có sự cạnh tranh công bằng giữa anh tư nhân và Nhà nước nắm phần lớn cổ phần được”.
 
Lan Hương - Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm