1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cần quan tâm tỷ giá của đồng Việt Nam/USD

Đầu năm 2007, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép mở rộng biên độ tỷ giá VND/USD, tăng lên +/-0,5%, trong bối cảnh các nguồn cung USD dồi dào. Nhưng liệu chính sách mềm hóa tỷ giá nêu trên có làm giảm sức ép nguy cơ lên giá của đồng Việt Nam?

Vụ trưởng Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Trương Văn Phước cho biết, hiện nay đồng USD đang rơi vào một vùng xoáy cực kỳ thấp so các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Tuy nhiên, trong chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, VND không chỉ chuyển đổi riêng với USD mà với cả một số đồng tiền khác.

Trong mọi trường hợp, Ngân hàng Nhà nước luôn bảo đảm thị trường ngoại hối có tính thanh khoản và không bao giờ để VND chệch ra khỏi vùng ngang giá so với các đồng tiền khác. Ðiều mà các nhà điều hành tỷ giá, chính sách tiền tệ hết sức quan tâm là với xu thế chu chuyển các dòng vốn cho nền kinh tế, không để cho VND lên giá, vì có thể tác động đến sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.

Vụ trưởng Trương Văn Phước cũng nhấn mạnh, thực hiện cơ chế tỷ giá linh hoạt đối với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, có thể hình dung rằng con đường đã được mở rộng hơn, "giao thông" chu chuyển thuận lợi hơn. Doanh nghiệp cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào USD, họ có thể chuyển sang các ngoại tệ khác nếu thấy lợi hơn.

Tuy nhiên, tác động của chính sách nêu trên thực tế chưa phải là liều thuốc "cắt cơn". Tỷ giá VND/USD trên thị trường trong khoảng một tháng qua luôn ở mức chạm sàn. Có thời điểm tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại thấp hơn của Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng thương mại đều kêu dồi dào lượng USD.

Ðại diện Phòng Kinh doanh tiền tệ Eximbank cũng xác nhận, nguồn cung ngoại tệ đang vượt cầu, nhất là từ đầu tháng 12-2006 trở lại đây. Mỗi ngày dòng kiều hối chảy về ngân hàng này xấp xỉ một triệu USD, nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu khoảng từ một đến hai triệu USD, nhu cầu đổi tiền của người dân cũng lên đến vài trăm nghìn USD.

Thêm vào đó, thời gian gần đây thị trường chứng khoán liên tục tăng trưởng, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đua nhau mở tài khoản ngoại tệ ở Việt Nam để rót tiền vào chứng khoán.

Nguồn ngoại hối dồi dào nhưng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nguồn dự trữ ngoại hối cao nhất của các ngân hàng thương mại không được vượt quá 30% vốn điều lệ của mỗi ngân hàng. Số ngoại tệ vượt mức khống chế phải bán lại cho Ngân hàng Nhà nước.

Song theo một số ngân hàng, vài tuần gần đây, hoạt động mua vào của Ngân hàng Trung ương rất cầm chừng. Cung vượt cầu là lý do khiến các ngân hàng hạ thấp tỷ giá giao dịch.

Một số chuyên gia tiền tệ nhận định, sức ép đồng Việt Nam tăng giá đang là thách thức về mặt vĩ mô với kinh tế Việt Nam. Về lý thuyết, VND tăng giá sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Trong những tình huống như vậy, để bình ổn tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước thường xuất tiền đồng để mua ngoại tệ, song nếu cung tiền đồng tăng cao có thể dẫn đến lạm phát. Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng bị khống chế về lượng tiền đồng chi ra.

Ðây là một thách thức hoàn toàn mới về mặt vĩ mô, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước sớm có phương án đối phó kịp thời. Bởi về lâu dài, nguồn cung ngoại tệ sẽ tiếp tục dồi dào.

Theo Thùy Vân
Báo Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm