Cần loại bỏ hơn 70 công ty chứng khoán khỏi thị trường

(Dân trí) - Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở GDCK TPHCM cho rằng, với quy mô hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ nên cho phép tồn tại khoảng 30 công ty chứng khoán, so con số 105 như hiện tại.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị Ổn định tài chính khu vực Đông Nam Á diễn ra sáng 27/11, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có hơn 100 công ty chứng khoán, đa số yếu về nhân lực, vốn rất nhỏ. Do đó, trải qua các đợt khủng hoảng, suy thoái những nhược điểm đó càng bộc lộ rõ.

Theo ông, thị trường chứng khoán có một giai đoạn phát triển quá mức đã hình thành nên bong bóng và khi bong bóng xẹp xuống sẽ để lại hệ quả. Điều này thể hiện qua kết quả hoạt động của các công ty chứng khoán vừa qua.

Bong bóng chứng khoán đã thể hiện rõ qua kết quả bê bết của các CTCK (Ảnh: B.D).
Bong bóng chứng khoán đã thể hiện rõ qua kết quả "bê bết" của các CTCK (Ảnh: B.D).

Do vậy, vấn đề quản trị rủi ro đối với các công ty chứng khoán là rất quan trọng. Trong khó khăn, khủng hoảng, những công ty nào có quản lý tốt, vốn lớn thì cơ bản là vượt qua được, còn những công ty nhỏ, vốn yếu dễ rơi vào tình trạng phá sản. Trước tình hình này, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành rất nhiều thông tư hướng dẫn đảm bảo an toàn cho các công ty chứng khoán.

Mặc dù vậy, ông Sinh cho rằng, với quy mô hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ nên cho phép tồn tại khoảng 30 công ty chứng khoán, so con số 105 như hiện tại. Việc giảm số lượng sẽ giúp cơ quan quản lý bao quát tốt hơn, cũng như giúp thị trường hoạt động an toàn hơn.

Dự kiến 2013 tiến hành áp dụng ETF

Ông Sinh cũng cho biết, trong đề án tái cấu trúc mà Chính phủ đã ban hành, vấn đề làm thế nào để tạo được sự sôi động trên thứ cấp, qua đó kích thích thị trường sơ cấp phát triển, hiện đang được nghiên cứu và dự kiến cho ra mắt nhiều sản phẩm. Trong đó, có 2 sản phẩm thế giới đang áp dụng là ETF và Coverred Warrants. Ở Việt Nam, Tổng giám đốc HoSE hy vọng, sang năm 2013 tới sẽ tung ra thị trường.

Sản phẩm ETF đang chờ Thông tư hướng dẫn, trong khi Covered Warrants vẫn trong quá trình nghiên cứu, quý I/2013 sẽ trình Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xem xét. phê duyệt. Cùng với đó, với tham vọng đưa thêm 1 chỉ số khác bên cạnh VN 30, HoSE đã tiến hành phân 11 ngành và đang nghiên cứu để sắp tới đưa ra thị trường.

Còn tại thời điểm hiện tại, ông Sinh cho rằng, VN30-Index vẫn là chỉ số tốt nhất hiện nay, chiếm 70% tổng giá trị vốn hóa thị rường, 80% giá trị HOSE. Các nhà đầu tư và tổ chức định chế nước ngoài đều rất quan tâm đến chỉ số này. Thông qua VN30, dần đã khắc phục được những nhược điểm của VN-Index.

Đề cập đến phương án tăng tỉ lệ vay margin lên 50 -50 để kích thích thị trường, ông Sinh cho rằng, phương án này mặc dù tốt tuy nhiên vẫn phải nhắm đến thời điểm hợp lý và áp dụng cho những công ty chứng khoán thích hợp với điều kiện nhất định. Trước đó, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng cho biết, tỷ lệ margin hiện là 40-60 và cơ quan này đang xem xét tiến tới 50-50.

Vấn đề này hiện cũng đang thảo luận. Quan điểm của HoSE cho rằng, quản lý điều hành thị trường phải làm từ thấp đến cao, đảm bảo phát triển bền vững của thị trường, không thể đưa ra nhiều tỷ lệ mất khả năng an toàn.

Bích Diệp