1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Xăng dầu, điện, gas... đồng loạt tăng giá

Cần lập ủy ban giám sát thị trường

Trước tình hình hàng loạt mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, điện... tăng giá, TS Nguyễn Đình Cung, viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng do thị trường chưa vận hành thật sự.

Đồng thời còn tồn tại những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nên đề nghị lập cơ quan giám sát độc lập để giám sát thị trường.
 
Cần lập ủy ban giám sát thị trường

 

Ông Cung nói: Việc tăng giá điện, xăng dầu, gas... thời gian gần đây là một đòn đánh mạnh vào nhiều doanh nghiệp. Cứ nói tăng giá như thế chỉ tăng 0,25% giá thành thôi nhưng áp lực thực tế lên doanh nghiệp cũng đã rất lớn rồi. Họ đang chịu lỗ, đáng ra cần giảm giá đầu vào nhưng giá tăng có thể khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn hơn. Bởi họ không thể tăng giá mà người dân vẫn phải mua như các doanh nghiệp điện, xăng dầu...

"Có rất nhiều yếu tố mới tạo nên thị trường. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là tạo nên một thị trường thật sự và giám sát để nó vận hành đúng. Chứ chỉ quản lý giá thôi thì mãi chúng ta cứ phải chạy theo đuôi thị trường" - TS Nguyễn Đình Cung

 

VN đã theo cơ chế thị trường mấy chục năm, nay giá xăng dầu, điện... cũng phải theo thị trường, thưa ông?

 

- Tôi rất ủng hộ việc xăng dầu hay điện, than vận hành theo cơ chế thị trường. Nhưng đầu tiên là phải để thị trường vận hành theo đúng quy luật đã. Khi thị trường đã vận hành đúng rồi thì giá mới là kết quả của thị trường. Chứ cho giá theo thị trường trước, nhưng cơ chế vận hành vẫn chưa thật sự thị trường là không hẳn đúng. Hiện nay, mỗi khi giá tăng, người dân vẫn băn khoăn bởi các cơ quan nhà nước chưa tạo ra được một thị trường vận hành theo đúng nghĩa. Đây là lỗi của quản lý nhà nước.

 

Chẳng hạn như xăng dầu, Petrolimex vẫn chiếm tới khoảng 60% thị phần. Có quan chức khẳng định họ không độc quyền, nhưng về nguyên tắc, đã chiếm 60% thị phần thì dù không độc quyền doanh nghiệp vẫn ở vị trí thống lĩnh thị trường, và họ có thể trở thành người quyết định giá. Khi phải cạnh tranh đích thực, doanh nghiệp sẽ buộc phải xem xét lại hệ thống của mình, chỗ nào chưa hiệu quả thì cắt, chi phí phải giảm tối đa, quản trị buộc phải theo quy luật khắt khe... Thậm chí đôi khi lỗ họ cũng không dám tăng giá, chứ không phải cứ có khó khăn gì lại kiến nghị Nhà nước tháo gỡ và chỉ trông vào tăng giá.

 

Hiện đã có các cơ quan như Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính hay Cục Quản lý cạnh tranh, Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công thương giám sát hoạt động xăng dầu, điện... Như thế vẫn chưa đủ để giá thật sự theo thị trường?

 

- Hiện cứ nói Cục Quản lý giá đã độc lập rồi, nhưng tôi cho rằng không nên duy trì một cơ quan như thế. Giá chỉ là sản phẩm cuối cùng của một quá trình, phương thức kinh doanh. Anh không quản nổi quá trình kinh doanh của họ mà lại đi quyết giá thì có ổn? Chúng ta cần một cơ quan giám sát thị trường mà giá chỉ là một khâu trong đó. Còn Bộ Công thương cũng như các bộ khác hiện đang đảm nhiệm chức năng “3 trong 1”: vừa là chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, vừa là người giám sát thị trường, lại vừa là nhà làm chính sách cho thị trường. Các chức năng này có thể xung đột nhau, khi điều hành các cơ quan nhà nước dễ giải quyết sự việc trên vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp, phản ánh tiếng nói doanh nghiệp. Vì vậy, để tránh các rủi ro, tôi cho rằng tốt nhất cần thành lập một ủy ban độc lập giám sát thị trường đủ mạnh. Chính phủ có thể ra các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp A, doanh nghiệp B. Ủy ban giám sát đó nên thuộc Quốc hội, độc lập với Chính phủ và phải có quyền ra chính sách để thị trường thật sự vận hành.

 

Cần lập ủy ban giám sát thị trường
Cây xăng trên đường đường Trường Chinh, Q. Thanh Khê treo bảng “đang nhập hàng tạm nghỉ bán” cả sáng 13/ trước giờ xăng tăng giá.

 

Như thế lại phải ra một cơ quan hành chính nữa?

 

- Hiện VN có nhiều cơ quan, như Cục Quản lý giá, Cục Quản lý cạnh tranh hay Cục Điều tiết điện lực... nằm trong các bộ, vai trò thấp, mỗi anh quản một khúc. Tôi cho rằng nên tập hợp các cơ quan có chức năng quản lý thị trường lại với nhau. Nhật Bản hay hầu hết các nước đều có ủy ban giám sát thị trường hoặc ủy ban kiểm soát độc quyền. Cơ chế trên sẽ giúp các bộ tránh được một lúc đảm nhiệm chức năng “3 trong 1”. Và nếu tách được các cơ quan giám sát thị trường ra khỏi các bộ, ta sẽ có giám sát chéo giữa các cơ quan nhà nước với nhau.

 

Nhiều lĩnh vực như điện, than... cũng còn độc quyền và giá luôn là nỗi lo của người dân. Nhưng việc tách nhỏ tập đoàn để giải quyết độc quyền, có ý kiến lại cho rằng sẽ đi ngược chủ trương là xây dựng các tập đoàn mạnh?

 

- Thật ra, chủ trương đặt ra là xây dựng tập đoàn mạnh, nhưng cũng nên phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Nhà nước với vai trò chủ sở hữu có thể muốn doanh nghiệp nhà nước càng mạnh càng tốt. Nhưng Nhà nước với vai trò điều phối thị trường thì phải tạo môi trường cạnh tranh tốt. Mà thị trường có một người chiếm hầu hết thị phần sẽ khó lòng cạnh tranh. Đã theo thị trường phải giúp nó vận hành đầy đủ, khi đó tôi nghĩ sẽ giải quyết được các khúc mắc giữa các bên tham gia thị trường, người tiêu dùng sẽ tin tưởng, đồng thuận hơn.

 

Nếu cứ như hiện nay, giá xăng dầu, điện... có tăng đúng nhịp thế giới cũng chưa hẳn là giá thị trường tốt nhất?

 

- Tăng giá người dân nói chung không thích là dễ hiểu bởi liên quan đến lợi ích của họ. Nhưng đúng là cũng phải xem lại cơ chế thị trường trong các ngành như xăng dầu, điện, than... Một doanh nghiệp luôn tìm cách ứng xử phù hợp với vị thế của mình. Khi một doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì phương thức kinh doanh của họ khác xa với một người phải cạnh tranh ngang ngửa với một anh khác. Áp lực tái cơ cấu, cắt giảm chi phí... sẽ khác xa.

 

Về nguyên tắc, doanh nghiệp trên cả thế giới này đều vận hành theo cách làm cho vị thế của mình ngày càng lớn lên, hạn chế sự gia nhập của anh khác, cạnh tranh đè bẹp đối thủ để lợi nhuận lúc nào cũng có giới hạn tốt nhất. Khi đã có vị thế độc tôn thì doanh nghiệp sớm muộn cũng phải có lợi ích trong đó. Điều này không thể trách doanh nghiệp. Trách nhiệm của Nhà nước là mở được thị trường để cạnh tranh tốt nhất, loại bỏ rào cản, hạn chế và giám sát vị thế thống lĩnh nhằm không để xảy ra giá độc quyền bởi giá độc quyền bao giờ người dân cũng thiệt. Nếu chúng ta không sớm tạo ra các thị trường cho các mặt hàng thiết yếu, thiếu một cơ quan độc lập giám sát thị trường để giúp thị trường có thể vận hành đầy đủ, tôi e những thất bại thị trường sẽ ngày càng nhiều.

 

Theo Cẩm Văn Kình

Tuổi trẻ