Cần có quy định để quản lý chặt thuốc lá “thế hệ mới”
(Dân trí) - Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có chính sách quản lý cụ thể đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Nhiều ý kiến đồng thuận rằng cần thiết phải xây dựng văn bản pháp luật để quản lý đối với những sản phẩm này.
Thế nhưng, “quản lý ra sao” thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Có ý kiến đề xuất cả hai loại sản phẩm đều phải được quản lý ngay theo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 67 của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo thành viên trong Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, vấn đề này cần phải được “xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng hơn”. Quan điểm của thành viên Hiệp hội, đó là cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử cần phải trải qua giai đoạn thí điểm trước khi xây dựng khung pháp lý áp dụng cho dòng sản phẩm thế hệ mới này.
Theo lập luận của các thành viên trong Hiệp hội, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu và vẫn còn rất mới mẻ với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, các dữ liệu hiện có chưa đủ để xây dựng một khung pháp lý toàn diện cho các sản phẩm này, vì vậy, chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần có đủ thông tin chính xác nhằm đánh giá tác động kinh tế và xã hội của cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử trước khi xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh.
Việc đưa sản phẩm thuốc lá làm nóng vào ngay trong Nghị định 67 dẫn tới quan ngại rằng các công ty thuốc lá nước ngoài ồ ạt đưa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử vào thị trường Việt Nam. Các thành viên trong Hiệp hội thuốc lá Việt Nam nhận định rằng các DN kinh doanh sản phẩm truyền thống cần ít nhất 12 tháng chuẩn bị để cạnh tranh với các sản phẩm thế hệ mới, đặc biệt là trong giai đoạn mà tất cả các doanh nghiệp đều đang phải gồng mình đối phó với dịch bệnh COVID-19.
Ngoài ra, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cùng Nghị định 67 khi được xây dựng và ban hành chưa hề tính đến các sản phẩm thế hệ mới. Do đó, khung pháp lý hiện thời chưa tương thích và phù hợp để điều chỉnh các dòng sản phẩm này. Hiện nay, các thị trường ngoài Việt Nam như Anh quốc và Úc, hiện cũng đã có các khung pháp lý dành riêng cho các sản phẩm thế hệ mới và thuốc lá truyền thống.
Vì vậy, chương trình thí điểm là phương án thận trọng cần thiết cho việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp cho các dòng sản phẩm thế hệ mới, dung hòa quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, doanh nghiệp, nông dân trồng thuốc lá và người tiêu dùng.
PV