Cần có gói kích cầu thứ 2 làm bước đệm
(Dân trí) - Chính phủ đang cân nhắc việc nên hay không có gói kích thích kinh tế thứ hai, sau khi gói kích cầu 1 kết thúc vào ngày 31/12/2009. Theo ý kiến của một số chuyên gia, vẫn cần gói kích cầu thứ 2, nhưng ở mức độ nhẹ nhàng hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, gói kích thích kinh tế thứ nhất được ban hành rất đúng đắn, kịp thời, góp phần đưa nền kinh tế thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính thế giới, giữ nền kinh tế chỉ dừng lại ở mức suy giảm và cùng với đó, hệ thống ngân hàng, tài chính và doanh nghiệp không bị đổ vỡ…
Báo cáo khảo sát của các địa phương và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy: Việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất đã đạt được mục tiêu là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn khoảng 30 - 40%, giảm giá thành từ 2,5 - 6%, duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo được việc làm cho người lao động, có 91% doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì, phát triển sản xuất - kinh doanh...
Hiện tại, theo dự báo của các tổ chức thế giới, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, nhưng quá trình này sẽ diễn ra chậm chạp, do các hệ thống tài chính vẫn còn yếu kém và sự hỗ trợ từ các chính sách nhà nước dần dần sẽ bị bãi bỏ.
Các hộ gia đình tại các nền kinh tế từng chịu tổn thất do sự bùng nổ của giá cả tài sản sẽ tiếp tục tích lũy lại nguồn tiết kiệm của mình trong khi phải vật lộn với tình trạng tỷ lệ thất nghiệp cao.
Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, quá trình phục hồi kinh tế đã bắt đầu. Các thị trường tài chính đang trở lại hoạt động bình thường. Tại hầu hết các quốc gia, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt tỷ lệ dương trong phần còn lại của năm 2009 và cả năm 2010.
Nhưng để cho quá trình phục hồi được bền vững, hoạt động tiêu dùng và đầu tư cá nhân cần phải được củng cố đi song hành với tăng cao khoản chi tiêu công và xử lý các khoản thâm hụt ngân sách lớn.
Tại Việt Nam, Chính phủ đang cân nhắc, nếu kinh tế trong nước và thế giới vẫn tiếp tục gặp khó khăn sẽ phải tính tới việc có thêm gói kích thích thứ hai. Theo quan điểm của ông Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank): Khi gói kích cầu thứ 1 kết thúc vào ngày 31/12/2009, Chính phủ nên tiếp tục gói kích cầu thứ 2 nhưng ở mức độ nhẹ nhàng hơn.
"Gói kích thích này nhằm tránh hụt hẫng cho các doanh nghiệp khi gói kích cầu thứ 1 chấm dứt và kinh tế thế giới cần thời gian để vượt qua khủng hoảng. Nghĩa là, Chính phủ cần tiếp sức cho các doanh nghiệp để phục hồi và vượt qua giai đoạn khó khăn vừa rồi" - ông Thanh khẳng định.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, gói kích cầu thứ 2, nếu có, chỉ nên ở mức độ nhẹ nhàng: “Nếu tiếp tục duy trì như gói thứ 1 sẽ bóp méo những mối quan hệ kinh tế và làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Gói kích cầu thứ 2 chỉ nên hỗ trợ lãi suất ở mức 1 - 2% và cũng không nên kéo dài thời gian, bởi chúng tôi tin tưởng trong khoảng 3 - 6 tháng nữa, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn và tự đứng trên đôi chân của mình”.
Còn theo ý kiến của chuyên gia Bùi Kiến Thành, nếu Nhà nước vẫn đứng ra làm nhiệm vụ bù lãi suất cho doanh nghiệp trong gói kích cầu thứ 2 là hoàn toàn không nên. Tiếp tục dùng ngân sách để trả tiền lãi suất cho doanh nghiệp là không phù hợp và phần nào phản ánh tư duy bao cấp.
“Điều cần làm là thực hiện một chính sách tiền tệ ổn định, bền vững, nơi mà doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất an toàn, không gây ra lạm phát. Ngân hàng trung ương nên theo dõi lưu lượng tiền tệ hàng ngày trong nền kinh tế để biết đâu là lượng tiền vừa đủ cần cung ứng cho doanh nghiệp”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Đồng thời với việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất, chính sách tiền tệ được thực thi nới lỏng một cách thận trọng; tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại duy trì lãi suất kinh doanh ở mức hợp lý, tăng vốn huy động từ nền kinh tế để cho vay với lãi suất thấp (4 - 6%/năm sau khi được hỗ trợ lãi suất, giúp tăng trưởng tín dụng ở mức cao (7 tháng đầu năm đạt 22,61%), góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Mặt bằng lãi suất thị trường tương đối ổn định, các ngân hàng thương mại huy động vốn từ thị trường để cho vay hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước không phát hành thêm tiền ra lưu thông; thông qua thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất đã kiểm chứng được sự tác động và khả năng thực thi chính sách có hiệu quả của hệ thống ngân hàng.
An Hạ