Hà Tĩnh:

Cán bộ xã 10 năm chăm vợ ung thư vẫn “kiến tạo” khu vườn mẫu đẹp nhất tỉnh

(Dân trí) - Ròng rã 10 năm chăm vợ bị ung thư, anh Hồ Xuân Hồng – cán bộ tư pháp xã Thạch Tân (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vừa tự mình biến khu đất cằn cỗi thành khu vườn đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện, từ khu vườn này, hằng năm đem lại cho gia đình thu nhập từ 200 – 300 triệu. Tại cuộc thi “Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu Hà Tĩnh 2017” , khu vườn của anh đã xuất sắc giành giải A.

Khu vườn mẫu khoa học của cán bộ tư pháp xã

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào khu vườn của Hồ Xuân Hồng là vô cùng khoa học, ngăn nắp. Mỗi một mét đất đều được phân bổ hợp lý. Những khoảnh đất khô ráo được dành để trồng cây ăn quả, trồng chè…. Những vùng đất thấp trũng dùng trồng các loại rau như: cải, tần ô, mồng tơi... Mùa nào thức đó, khu vườn anh bốn mùa đều ra hoa kết trái đem lại thu nhập cao.

“Trung bình mỗi ngày, từ nguồn bán rau và trái cây, đem lại cho gia đình chúng tôi khoảng 200- 300 ngàn đồng. Vào thời điểm mùa vụ thì vượt trội hơn hẳn. Hằng năm, thu nhập từ vườn hộ xấp xỉ khoảng 200 triệu đồng”, anh Hồng phấn khởi.

Vườn rau hơn 300m2 là nguồn thu chủ lực cho gia đình
Vườn rau hơn 300m2 là nguồn thu chủ lực cho gia đình

Ban đầu, anh Hồng chỉ cải tạo một phần đất trên 2.000 m2 đất khô cằn để trồng vài loài cây ăn quả. Sau khi xem, đọc về cải tạo vườn hộ trên ti vi và báo đài, anh Hồng tự thấy bản thân có thể áp dụng được cho khu vườn của mình. Nghĩ là làm, anh bắt tay vào thực hiện.

Đầu tiên, anh Hồng cho cải tạo đất để quy hoạch khu trồng rau màu. Anh dành hơn 300m2 đất để trồng rau màu các loại. Tại khu vực trồng rau, anh xây lắp hệ thống tưới tiêu, mương dẫn, thoát nước, bét tưới… Ngoài ra, anh còn sử dụng các thiết bị bắt sâu bọ tự chế xung quanh hạn chế tối đa sâu bệnh ở rau màu.

Các loài cây ăn quả được trồng phân bố xung quanh vườn nhà. Anh Hồng ưu tiên các loại cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế như: Thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, bưởi phúc trạch, ổi, nhãn lồng Hưng Yên… Dưới các loại cây ăn quả, anh trồng xen bầu, bí..

Khu chăn nuôi được anh xây dựng phía sau với nhiều loại như: gà, thỏ, bồ câu pháp, chó… Điều đặc biệt trong khu vườn của anh Hồng cẩn thận phân loại rác thành 2 loại vô cơ và hữu cơ. Anh Hồng còn cho xây dựng lò đốt rác và hố phân vi sinh để xử lý rác hữu cơ tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Rác được phân loại...
Rác được phân loại...
... và sử dụng lò đốt làm phân bón cho cây trồng
... và sử dụng lò đốt làm phân bón cho cây trồng

Để có được khu vườn như thế, hầu như toàn bộ thời gian sau giờ làm anh Hồng đều dành hết cho khu vườn của mình.

Anh Hồng cho biết, anh thường dậy lúc 5 giờ sáng để chăm sóc khu vườn. Buổi chiều, sau giờ làm anh lại dành từ 3 -4h cuốc xới, thu hoạch chuẩn bị rau quả bán cho ngày mai.

Vừa qua, khu vườn mẫu của anh đã giành được giải A tại cuộc thi “Khu dân cư, vườn mẫu Hà Tĩnh năm 2017”.

Đánh giá về khu vườn mẫu của anh, ông Nguyễn Hoành Mai – Chủ tịch xã Thạch Tân cho biết: “Ban đầu chúng tôi không định chọn khu vườn của anh làm vườn mẫu của xã đi thi. Do điều kiện gia đình anh rất đặc biệt, vợ đau yếu gần 10 năm. Nhưng khi đến khu vườn của anh Hồng ai cũng phải thán phục.”

Người đàn ông 10 năm chăm vợ ung thư

Ít ai biết rằng, hơn 10 năm qua, vợ chồng anh đã cùng nhau chống chọi lại căn bệnh ung thư. Với đồng lương công chức ít ỏi, anh Hồng vừa một tay chăm vợ ung thư nhưng vừa phát triển vườn mẫu cải thiện kinh tế để trang trải cuộc sống và chi phí chữa bệnh.

Tại họa bất ngờ đến với gia đình anh vào năm 2004. Trong một lần ra Hà Nội, chị Lĩnh có nhiều dấu hiệu mỏi mệt nên đã vào bệnh viện khám. Kết quả thông báo chị bị ung thư tử cung. Nhận thông báo từ bác sĩ, cả hai vợ chồng đều choáng váng. Vào thời điểm này, anh Hồng vừa học lên Đại học, vừa mới đi làm lại có 2 con nhỏ và bố mẹ già thường xuyên đau yếu. Sau khi lấy lại tinh thần, anh động viên vợ và sắp xếp lại công việc để thuận lợi điều trị cho chị và chăm con.

Hệ thống bét tưới phục vụ hiệu quả cho rau màu
Hệ thống bét tưới phục vụ hiệu quả cho rau màu

Vậy là, 8 tháng trời vợ nằm ở Hà Nội, anh Hồng vừa đi làm, vừa đi học, cuối tuần bắt xe ra Hà Nội, đầu tuần lại bắt xe về làm việc. Đồng lương công chức ít ỏi không đủ để trang trải mọi chi phí, đồ đạc giá trị bán cũng không đủ, anh phải chạy vạy vay mượn khắp nơi.

Bệnh cũ chưa hết thì chị Lĩnh lại thêm bệnh mới, do sử dụng tia xạ trong thời gian dài, chị bị thoái hóa cột sống. Anh Hồng tiếp tục vay mượn tiền đưa vợ ra Hà Nội mổ lần nữa. Thế nhưng, ròng rã 10 năm hết bệnh này sang bệnh khác cứ lần lượt xuất hiện khiến sức khỏe của chị yếu đi.

Nhớ lại quãng thời gian khó khăn của mình, anh Hồng không hề bi quan: “Giai đoạn này nhiều khi rất bế tắc nhưng mình không thể gục ngã. Không chỉ vợ mình mà còn các con nữa. Nghĩ vậy là mình lại xốc lại tinh thần để cố gắng”.

Mỗi năm từ khu vườn này đem lại thu nhập cho gia đình anh từ 200-300 triệu đồng
Mỗi năm từ khu vườn này đem lại thu nhập cho gia đình anh từ 200-300 triệu đồng

Nhiều lần thấy chồng đi lại đường xá xa xôi vất vả, chị Lĩnh nói anh ở nhà vì nếu chưa đến đợt điều trị thì chị tự xoay sở. Nhưng anh vẫn nhất quyết ra để chăm sóc cho chị. Nhờ sự chăm sóc tận tình của anh, sức khỏe chị dần ổn định. Hiện, chị có thể đi lại bình thường nhưng phần bụng luôn phải nẹp quanh năm. Những lúc khỏe mạnh, chị Lĩnh lại phụ giúp cùng chồng quét dọn, sửa sang lại vườn tược.

Tại lần trao giải “Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu Hà Tĩnh 2017” tại huyện Thạch Hà, khu vườn của vợ chồng anh được xướng tên đạt giải A. Anh Hồ Xuân Hồng đã nhường vinh dự lên nhận giải cho vợ mình là bởi thành quả hôm nay cũng là món quà anh muốn động viên chị.

Phượng Vũ - Hà Phương

Cán bộ xã 10 năm chăm vợ ung thư vẫn “kiến tạo” khu vườn mẫu đẹp nhất tỉnh - 6