Cán bộ Bộ Công Thương bị tố nhận tiền "lót tay" trở lại việc cũ
(Dân trí) - Theo nguồn tin riêng của Dân trí, bà Phạm Thanh Hương, nguyên Phó trưởng phòng phụ trách Phòng quản lý xuất nhập khẩu Hải Phòng của Bộ Công Thương từng bị tố là nhận tiền "lót tay" của doanh nghiệp trong một clip do VOV công bố trước đây đã được trở lại làm việc.
Trong 2 tháng qua, một số doanh nghiệp tại Hải Phòng cho biết, bà Phạm Thanh Hương đã trở lại Phòng quản lý xuất nhập khẩu (QLXNK) tại Hải Phòng của Bộ Công Thương làm việc, sau một thời gian bị rút khỏi công việc này, về Cục XNK, Bộ Công Thương để làm kiểm điểm, giải trình sau nghi vấn về clip quay cảnh doanh nghiệp đưa tiền tại Phòng QLXNK này năm 2014 mà VOV đưa lên (ngày 27/8/2014).
Tại thời điểm đó, trả lời báo chí tại một cuộc họp báo Chính phủ (ngày 28/8/2014), Thứ trưởng kiêm Người phát ngôn của Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải đã cho biết, khoản tiền mà doanh nghiệp đưa cho nhân viên trong phòng mà người xem có thể thấy trong clip nói trên là tiền mua mẫu Form C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ) cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giải thích này cũng dẫn tới nhiều hoài nghi vì khoản lệ phí cấp C/O thời điểm đó đã được Nhà nước bãi bỏ và việc DN phải mua mẫu Form C/O, hơn nữa, theo như hình ảnh được ghi lại, khi thu, nộp tiền không có thấy ghi biên lai hay hoá đơn thu tiền là điều khó hiểu mà đến nay vẫn chưa được Bộ Công Thương giải thích rõ hơn.
Video nghi vấn cán bộ Phòng quản lý xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương tại Hải Phòng nhận tiền "lót tay" của doanh nghiệp được phát trên VOV ngày 27/8/2014
Mặc dù vậy, bà Phạm Thanh Hương vẫn bị Bộ Công Thương tạm thời đình chỉ công việc, làm các báo cáo giải trình về các khoản thu được phản ánh nói trên.
Không chỉ có phản ánh trên của báo chí, một chuyên viên của Phòng QLXNK của Bộ Công Thương tại Hải Phòng, ông Đặng Hồng Quân cũng có đơn tố cáo nhiều điểm trong đó có nội dung tố cáo bà Phạm Thanh Hương nhận tiền "lót tay" công khai hàng ngày tại Phòng QLXNK Hải Phòng.
Trong đơn tố cáo này có đoạn nêu: "Tôi xin khẳng định tất cả những sự việc do VOV đăng tải, đưa ra công luận là hoàn toàn đúng, số tiền trong video clip là số tiền bà Hương chèn ép doanh nghiệp, nhận lót tay hàng ngày tại Phòng Hải Phòng. Thậm chí Video Clip cũng chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ hành vi phạm pháp này".
Ông Đặng Hồng Quân cho rằng, Biên bản mà Bộ Công Thương đưa ra, giải thích Video Clip trên là "lấp liếm sự thật" do biên bản này được lập vào chiều ngày 27/8/2014, khi bà Phan Thị Diệu Hà, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu làm Trưởng đoàn kiểm tra xuống Hải Phòng xác minh vụ việc.
"Tại đây, là thành viên của Phòng Hải Phòng, tôi tận mắt chứng kiến bà Hà đã gọi cho 2 doanh nghiệp có mặt tại clip, bằng nhiều cách buộc họ phải ký vào biên bản xác nhận tiền trong video clip là tiền mua form C/O", ông Quân nêu trong đơn tố cáo.
Tuy nhiên, trong Thông báo kết quả giải quyết tố cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương (số 291/TB-VP) ngày 31/3/2016 đã phủ nhận tất cả tố cáo trên của ông Đặng Hồng Quân. Trong Thông báo này nêu kết quả của đoàn công tác do Cục Xuất nhập khẩu cử xuống làm việc. Theo đó, bà Phạm Thanh Hương, Phó trưởng phòng, phụ trách phòng và ông Vũ Ngọc Hiếu, Phó trưởng phòng QLXNK của Bộ Công Thương tại Hải Phòng đều phủ nhận việc nhận tiền "lót tay" mà chỉ là tiền bán mẫu C/O.
Một hình ảnh thường thấy trước đây ở Phòng Quản lý XNK của Bộ Công Thương ở Hải Phòng
Theo bà Hương, các hình ảnh về trao, nhận tiền trong video clip có thể là ngày 25 hoặc 26/8/2014. "Hôm đó anh Vũ Ngọc Hiếu là người được giao nhiệm vụ bán mẫu C/O và thu tiền, hôm đó nghỉ phép, do đó chị Hương bán mẫu và thu tiền thay anh Hiếu...Cá nhận chị Hương và công chức trong Phòng không nhũng nhiễu, hạch sách mà tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp", giải trình của bà Hương nêu.
Ông Vũ Ngọc Hiếu cũng giải trình nội dung tương tự: "Việc bà Hương nhận tiền trong video clip là thu tiền bán mẫu C/O thay ông Hiếu....Phòng rất tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thời gian cấp C/O rút ngắn so với quy định, chỉ khoảng 30 phút đến 2 giờ tuỳ theo lượng hồ sơ vào thời điểm đó".
Đáng chú ý, Thông báo giải quyết tố cáo của Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng, ông Đặng Hồng Quân đã xác nhận những giải trình của bà Phạm Thanh Hương và ông Vũ Ngọc Hiếu là đúng.
Mặc dù vậy, sau này, ông Đặng Hồng Quân cũng vẫn thể hiện sự nghi ngờ khả năng bà Hương có nhận tiền "lót tay" của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Cục XNK, Bộ Công Thương, mặc dù không đủ cơ sở để kết luận hành động nhận tiền trong video clip mà báo chí đăng tải là nhận tiền "lót tay" của doanh nghiệp nhưng bà Phạm Thanh Hương và các cán bộ, công chức khác của Phòng QLXNK Hải Phòng đã có khuyết điểm như: Thu tiền giấy mực khi cho các doanh nghiệp sử dụng máy photocopy, máy in...là tài sản nhà nước trang bị cho Phòng là "không đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; chưa tổ chức, bố trí công việc và nhân sự phù hợp dẫn đến sự phản cảm về hình ảnh môi trường công vụ và hoạt động thực thi công vụ của phòng".
"Nhận thức về khuyết điểm trên, bà Phạm Thanh Hương và ông Vũ Ngọc Hiếu đã có đơn xin từ chức. Cục XNK đã quyết định cho thôi chức vụ quản lý với bà Hương, ông Hiếu và điều chuyển công tác về Cục XNK", Thông báo giải quyết tố cáo của Cục XNK với ông Đặng Hồng Quân nêu.
Cục XNK, Bộ Công Thương khẳng định: "Nội dung tố cáo bà Hương chèn ép doanh nghiệp, nhận lót tay công khai hàng ngày tại Phòng (QLXNK) Hải Phòng là không có cơ sở". Và các nội dung khác tố cáo bà Hương, đoàn kiểm tra của Cục XNK ép doanh nghiệp ký vào biên bản xác nhận tiền trong video clip là tiền mua form C/O là "không đúng sự thật".
Mặc dù vậy, việc các doanh nghiệp ghi nhận bà Phạm Thanh Hương trở lại làm việc trong khi chưa có những giải thích công khai của Cục XNK, Bộ Công Thương về việc vì sao bà Hương được trở lại làm việc, bà Hương có tiếp tục giữ chức vụ như trước không, các khoản thu "tiền giấy mực" của doanh nghiệp được cho là không hợp lý vì đó là tài sản Nhà nước cấp (để phục vụ doanh nghiệp) đã được xử lý như thế nào...cũng cần được Cục XNK, Bộ Công Thương thông báo công khai để người dân, doanh nghiệp do vấn đề này đã được nêu ra trên công luận.
Mạnh Quân