Nghệ An:
Cam Xã Đoài rụng đầy gốc, người trồng mất hàng trăm triệu đồng
(Dân trí) - Sau mưa lũ kéo dài, những quả cam đặc sản Tiến Vua của Nghệ An rụng đầy gốc, thiệt hại khoảng 1/3 sản lượng. Với giá trung bình 50 nghìn đồng/quả, nông dân vùng cam Xã Đoài mùa này "cầm chắc" thiệt hại hàng trăm triệu đồng vì mưa lũ.
Sau cơn bão số 10 vào trung tuần tháng 9/2017 đến trận mưa lũ đầu tháng 10 khiến nhiều vùng thuộc Nghệ An bị ngập nước kéo dài, trong đó có xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc), nơi có loại cam đặc sản Xã Đoài – loài cam Tiến Vua nổi tiếng. Sự nổi tiếng của loại cam này không chỉ ở chất lượng, độ ngọt, thơm, mọng nước, vàng óng khi bổ ra mà còn ở mức giá của nó.
Có lẽ, cam Xã Đoài là loại cam duy nhất mà giá trị kinh tế của nó được tính bằng quả thay vì bằng cân như những loại cam khác. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, mỗi quả cam Xã Đoài (khoảng 3 lượng) có giá trung bình 50 nghìn đồng, có khi lên tới 80 nghìn đồng/quả.
Hiện, xã Nghi Diên có tổng diện tích 10ha, trong đó 7ha đã cho quả. Chỉ có một số ít nhà trồng cam trên vườn nguyên thổ, đất cao thoát được nước. Bởi vậy, sau đợt mưa lũ kéo dài gần 1 tháng qua, nhiều vườn cam Xã Đoài bị thiệt hại nặng nề.
Ông Phan Công Hưởng (xóm 8, xã Nghi Diên, Nghi Lộc) có gần 200 gốc cam đã cho quả. Vụ này, vườn cam của ông ước tính cho 6.000 quả. “Trận mưa lũ vừa rồi, nước ngập vườn, không thoát được khiến bộ rễ của cây bị thối, không hút chất dinh dưỡng nuôi quả được. Cam dần héo, rụng xuống đầy gốc, xót ruột lắm. Phải mất cả tuần tôi không dám ra vườn”, ông Hưởng cho biết.
Đến ngày 17/10, vườn cam của ông Hưởng vẫn đang tiếp tục rụng. “Khoảng 2.000 quả cam đã bị rụng, thiệt hại hơn 100 triệu đồng”.
Mùa cam này, xã Nghi Diên dự kiến sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 35.000 quả cam. Theo người trồng cam đặc sản thì năm nay, cam rụng nhiều chưa từng thấy. Nhiều vườn rụng đến 1/3 quả và có thể tiếp tục rụng nữa nếu không có phương án cứu cam kịp thời.
Giống cam Xã Đoài là loại không chịu được ngập úng. Trong khi đó, nhiều diện tích cam được trồng ở các khu vực vườn trũng thấp, khi có mưa lớn kéo dài, nước không thoát được gây thối rễ dẫn đến hỏng quả. Bởi vậy, để cứu cam, việc đầu tiên là triển khai công tác khơi thông, chống ngập. Hệ thống hào thoát nước được đào song song hai bên luống cam để thoát nước, cứu bộ rễ của cây. Do bộ rễ bị hỏng, giảm khả năng vận chuyển chất nuôi quả nên người trồng cam phải tăng cường cung cấp dưỡng chất qua lá bằng các loại phân bón lá.
Như các năm trước, người mua phải đặt trước cam Xã Đoài từ khi mới đậu quả. Tuy nhiên, việc đặt trước khiến thu hoạch cam muộn, ảnh hưởng đến sức tái tạo và khả năng cho quả mùa sau của cây cam. Thời gian gần đây, trừ những khách hàng truyền thống, người trồng cam không bán cam đặt trước nữa mà đợi đến mùa thu hoạch, ai mua sớm thì được sớm, chủ vườn cũng “giải phóng” được cây khi cam vừa chín, đảm bảo cây cho mùa tiếp theo.
“Dù thiệt hại 1/3 sản lượng nhưng vì không nhận đặt trước như các năm nên vụ cam Tết năm nay chúng tôi vẫn có thể cung ứng cho thị trường khoảng 4.000 quả cam”, ông Hưởng cho biết.
Tại Nghệ An thời điểm này mưa hoàn toàn chấm dứt, nắng lên, nước ở các vùng trũng đã rút. Người trồng cam tiến Vua đang tích cực chăm sóc để duy trì số lượng quả hiện tại, đủ cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Hoàng Lam