1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cấm ngân hàng chia cổ tức nếu không trích đủ dự phòng rủi ro

(Dân trí) - “Cuối năm nay, ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro thì không được chia cổ tức. NHNN sẽ có biện pháp thanh tra giám sát cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng trước tiên để giải quyết nợ xấu", Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Sáng nay 31/10, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tiếp tục có phần giải trình về nợ xấu.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình (ảnh: Việt Hưng).
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình (ảnh: Việt Hưng).

Số liệu mà Thống đốc công bố trước Quốc hội cho thấy, từ tháng 4 trở lại đây, NHNN đã khoanh, giãn nợ theo chủ trương 36 nghìn tỷ đồng. Kể từ 15/7 đến nay, tỷ trọng dư nợ có lãi suất trên 15%/năm đã giảm từ 80% xuống còn khoảng 20%.

Theo đánh giá của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, việc giải quyết hàng tồn kho có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi nếu sản xuất chiếm 50% GDP, hàng hóa tồn kho khoảng 20% của 50% GDP thì số hàng tồn kho tương đương tỷ lệ nợ xấu 4%.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu giải quyết được số hàng tồn kho này thì nợ xấu đã giải quyết được 4% và nếu giải quyết được 93% nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản (khoảng 90 nghìn tỷ đồng) thì sẽ giải quyết thêm được 2% nợ xấu.

Vì vậy, nếu tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay khoảng 8% thì giải quyết được 2 vấn đề trên, Thống đốc cho biết sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu giảm được 6%.

Theo thống đốc Nguyễn Văn Bình, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để giải quyết hàng tồn kho trong xây dựng, cũng như đề nghị các ngân hàng tự xử lý nợ xấu, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro. Bởi để giải quyết nợ xấu, chúng ta phải quyết tâm giải quyết được hàng tồn kho trong sản xuất, trong xây dựng cơ bản và trong bất động sản.

Trước thực tế này, Thống đốc cho biết: "Đến cuối năm nay, ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro thì không được chia cổ tức. NHNN sẽ có biện pháp thanh tra giám sát cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng trước tiên để giải quyết nợ xấu".

Còn nhớ, tại phiên thảo luận chiều qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Với tư cách là thống đốc NHNN, tôi cũng không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu này. Vì như tôi đã nói, đây phải là một quyết tâm chính trị của cả hệ thống chúng ta. Do vậy, chúng ta không thể đơn phương. Thế nhưng theo đề án 254 chúng tôi đã trình và được Chính phủ thông qua thì đến năm 2015 sẽ đưa nợ xấu của hệ thống ngân hàng dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.

Từ đầu năm đến nay, diễn biến của nợ xấu trong hệ thống ngân hàng theo đánh giá của ông Bình là phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô. Theo dõi thấy, tỷ lệ nợ xấu tăng trong những tháng đầu năm nhưng từ tháng 6 trở lại đây tốc độ tăng đã chậm hẳn lại.

Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo giảm từ 34,9% xuống còn 20,3%. Tính chung 3 tháng qua, chúng ta đã giảm được 14,6% lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực này.

Nguyễn Hiền