Cải tạo chung cư cũ: Thay chủ đầu tư nếu làm chậm

(Dân trí) - Trước việc cải tạo chung cư cũ chậm trễ như vừa qua, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu trong tháng 8 này, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải công khai các thông số quy hoạch cho từng khu chung cư cũ, kiên quyết thu hồi dự án nếu chủ đầu tư làm chậm.

Cải tạo chung cư cũ: Thay chủ đầu tư nếu làm chậm - 1

Thay chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ nếu làm chậm (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội hiện nay trên địa bàn Thành phố có 982 nhà chung cư cũ 4 - 5 tầng do Thành phố quản lý, ngoài ra còn có 173 nhà chung cư, nhà tập thể khác do Công ty TNHH MTV ĐTPT nhà và đô thị Bộ Quốc phòng quản lý.

Trong đó có 11 công trình nhà chung cư nguy hiểm cấp D, tổ chức di dời, cải tạo xây dựng lại theo quy định của Luật nhà ở: nhà B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I 1, 2, 3 Thái Hà; P3 Phương Liệt (quận Đống Đa); C7, B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; 148 - 150 Sơn Tây.

Tuy nhiên, tình hình triển khai chậm: nhà B6 Giảng Võ mới khởi công, C1 Thành Công chưa thực hiện, 148 - 150 Sơn Tây chưa tiến hành vì mới điều chỉnh quy hoạch.

Đáng chú ý, chung cư Văn Chương hơn 10 năm vẫn nằm không. Một số chung cư khác đã đo đạc, lấy ý kiến người dân, có sự thỏa thuận, giao đất… nhưng vẫn chưa thể tiến hành.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhận định: Một số doanh nghiệp bằng mọi giá vào để thỏa thuận với dân. Nhưng trong quá trình thỏa thuận phát sinh rất nhiều ý kiến của người dân, đặc biệt là đòi hỏi về quyền lợi: diện tích nhà tái định cư, các khoản phí hỗ trợ…

Sau đó quay lại tạo sức ép với thành phố để nâng cao tầng, đảm bảo tái định cư. Đây là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các doanh nghiệp. Một số nhà đầu tư khác vào kích động người dân bằng cách họ đưa ra những ưu đãi lớn hơn để dân phản đối đơn vị thành phố giao nhiệm vụ, gây nên những lộn xộn.

Trong danh mục các dự án thuộc chương trình cải tạo các khu chung cư cũ thì có tới 13 dự án tiến độ quá chậm và có dự án Sở Xây dựng đề nghị thay thế chủ đầu tư.

Cụ thể như: Khu Văn Chương (Đống Đa) do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội đang làm chủ đầu tư; Khu Nam Đồng (Đống Đa) của Công ty ĐT PTN và ĐT, Bộ Quốc Phòng làm chủ đầu tư đang đề nghị thay thế chủ đầu tư. Khu Hào Nam (Đống Đa) do Liên danh Công ty QL phát triển nhà Hà Nội và CP ĐT đô thị Kang Long làm chủ đầu tư; B15, B16, B18, B19 Kim Liên do Công ty Cổ phần Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư… tiến độ thực hiện chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để giải quyết tình trạng chậm trễ của các dự án cải tạo chung cư cũ, ông Nguyễn Văn Khôi yêu cầu trong tháng 8 Sở Quy hoạch Kiến trúc phải cung cấp và công khai các thông số quy hoạch cho từng khu chung cư cũ.

“Sở Xây dựng cần tổng hợp, rà soát tất cả các dự án kể cả khu chung cư, nhà đơn lẻ để xác định lại nhà đầu tư được giao có đủ điều kiện thực hiện không: quỹ nhà tạm cư, vốn đối ứng… Sau đó sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án và các nhà đầu tư.

Thành phố kiên quyết, nếu chủ đầu tư nào không thực hiện trong khi đã có đủ điều kiện, được quận huyện tạo cơ hội thì cho nhà đầu tư khác vào thực hiện, không để kéo dài”, ông Khôi nói.

LH