Cái kết của cuộc chuyển giao quyền lực tại Sacombank
(Dân trí) - Với số lượng áp đảo trong Hội đồng Quản trị mới, nhóm cổ đông lớn (liên minh Eximbank và Southern Bank) đã chính thức trở thành nhóm quyền lực trong ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn thương tín (Sacombank).
Sáng 26/5, Sacombank đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2011. Nội dung quan trọng của đại hội lần này là sự ra đi của 5 thành viên HĐQT thân thiết với Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Thành là bà Huỳnh Quế Hà, ông Nguyễn Châu, ông Phạm Duy Cường, ông Nguyễn Ngọc Thái Bình, ông Lim Peng Khoon… Đồng thời, đại hội cũng đã bầu thêm 8 thành viên HĐQT (trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập).
Có thể nói đây là một đại hội có nhiều biến động vì nhiệm kỳ 2011 – 2015 chưa đi được nữa chặng đường nhưng 5/7 thành viên HĐQT Sacombank đã phải ra đi và đại hội phải bầu bổ sung 8 thành viên mới, chỉ còn lại 2 thành viên cũ là ông Đặng Văn Thành và con trai là ông Đặng Hồng Anh. Nguyên nhân 5 thành viên này ra đi theo HĐQT là vì lý do riêng. Nhưng thực tế ai cũng hiểu đó là sự thỏa thuận ngầm của nhóm cổ đông sáng lập và nhóm cổ đông mới gia nhập do Eximbank dẫn đầu để chuyển giao quyền lực tại Sacombank.
Chỉ nhìn vào danh sách chủ tọa đoàn đại hội có 3/6 là đại diện nhóm cổ đông lớn (ông Lê Hùng Dũng – CT HĐQT Eximbank, ông Trầm Bê – nguyên PCT HĐQT Southern Bank, ông Phạm Hữu Phú - nguyên PCT HĐQT Eximbank) có thể thấy rõ điều này. Ông Lê Hùng Dũng cũng nói rõ tại đại hội, ông là đại diện phát ngôn cho nhóm cổ đông lớn.
Trong tờ trình bầu bổ sung 8 thành viên HĐQT mới thì đã có 6 người đến từ nhóm cổ đông lớn là ông Trầm Bê, ông Phạm Hữu Phú, ông Trầm Khải Hòa (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Phương Nam), ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Southern Bank, hiện là Phó tổng giám đốc Sacombank), bà Dương Hoàng Quỳnh Như (từng là thành viên Hội đồng Quản trị Southern Bank), ông Nguyễn Miên Tuấn (Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt - có cổ đông sáng lập là Eximbank).
Một thành viên HĐQT mới khác là ông Trần Xuân Huy (hiện là Tổng giám đốc Sacombank) và thành viên độc lập là ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).
Kết quả bỏ phiếu của đại hội cổ đông đã thông qua tờ trình bầu bổ sung thành viên HĐQT trên đã đánh dấu bước chuyển giao quyền lực từ nhóm cổ đông sáng lập do ông Đặng Văn Thành đứng đầu sang nhóm cổ đông mới do Eximbank dẫn đầu đã hoàn tất. Như vậy, sau đại hội này, HĐQT Sacombank có 10 thành viên với nhóm cổ đông mới do Eximbank dẫn đầu chiếm đa số.
Dù không nói rõ, nhưng trong bài phát biểu khai mạc đại hội của mình, ông Đặng Văn Thành cũng thừa nhận đây là một đại hội với bước chuyển giao quan trọng. Ông cũng điểm lại 20 năm xây dựng và phát triển Sacombank dưới bàn tay lèo lái của mình.
Sau phần bầu cử HĐQT mới thành công và HĐQT mới ra mắt đại hội, ông Lê Hùng Dũng cũng đại diện nhóm cổ đông lớn đánh giá cao những thành quả mà Sacombank đạt được dưới sự dẫn dắt của ông Đặng Văn Thành. Ông Dũng khẳng định HĐQT mới sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được của Sacombank trong 20 năm qua.
Trong giờ nghỉ giải lao giữa đại hội, ông Đặng Văn Thành chia sẻ cùng báo giới rằng ông thấy rất bình thường, vì khi tham gia thị trường sâu rộng, hội nhập thị trường thế giới thì việc thay đổ cơ cấu vốn và HĐQT là rất bình thường.
Dù phiên chất vấn không có trong nội dung đại hội nhưng do có nhiều cổ đông gửi ý kiến nên chủ tọa đoàn phải đứng ra trả lời trước khi biểu quyết thông qua các tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận, kế hoạch phát hành trái phiếu…
Nội dung mà các cổ đông quan tâm nhất là khoản lỗ quá lớn của SBS (Công ty Cổ phần chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn thương tín). Ông Thành cho nguyên nhân chính là khách quan từ suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 khiến cho tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán nói chung không thoát khỏi khó khăn.
Ông cũng thừa nhận do thương hiệu SBS đã gắn liền với hình ảnh của Sacombank nên những thua lỗ tại công ty này ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu và hoạt động của ngân hàng. Ông thay mặt Hội đồng Quản trị xin lỗi các cổ đông và sẽ xem đó như là một bài học kinh nghiệm trong công tác quản trị điều hành.
Đại diện nhóm cổ đông lớn, ông Lê Hùng Dũng cũng cho đó là nguyên nhân khách quan từ nền kinh tế thì không ai muốn. Nhưng ông cho biết là Eximbank đã cử ông Hà Văn Trung sang là Trưởng ban Tài chính Sacombank. Thời gian tới ông Trung sẽ tiến hành kiểm toán một số đơn vị của Sacombank, trong đó có SBS. Ông cho biết trong đại hội cổ đông tới sẽ có câu trả lời cho toàn thể cổ đông, nếu là nguyên nhân khách quan thì không ai muốn, còn nếu có điều gì tiêu cực dẫn đến thua lỗ cũng sẽ thông báo cho cổ đông được rõ.
Một nội dung khác mà các cổ đông nhỏ tham dự đại hội quan tâm là trong cơ cấu HĐQT có quá nhiều thành viên đến từ ngân hàng Phương Nam (Southernbank), là 1 ngân hàng nhỏ thì có đảm đương nổi khi tham gia điều hành một ngân hàng lớn như Sacombank?
Về nội dung này, ông Lê Hùng Dũng cho là rất bình thường. Ông cho rằng: “HĐQT chủ yếu định hướng, còn hoạt động điều hành vốn đã có bộ máy sẵn từ nguồn nhân lực hiện nay của Sacombank nên tôi nghĩ việc này sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Sacombabk”.
Sau cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử của Sacombank, đại hội dần ổn định và bắt đầu thông qua 9 tờ trình các nội dung quan trọng mà Sacombank sẽ thực hiện trong thời gian tới như: phương án phân phối lợi nhuận năm 2011, kế hoạch phát triển trái phiếu quốc tế giai đoạn 2011 – 2015, kế hoạch tăng vốn điều lệ và sử dụng vốn chủ sở hữu tăng thêm trong năm 2012…
Trong 9 tờ trình trên thì có tờ trình quan trọng là thay đổi người đại diện pháp luật của Sacombank. Theo đó, sắp tới người đại diện pháp luật của Sacombank sẽ là Tổng giám đốc chứ không phải là CT HĐQT như trước đây. Ông Thành cho đây là chuyện bình thường, nhiều ngân hàng đã thực hiện trước Sacombank.
Ngoài ra, đại hội cũng thông qua tờ trình về chủ trương mua bán sáp nhập ngân hàng. Theo ông Thành thì thời gian qua Chính phủ đã ban hành chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng để khắc phục những tồn tại, nhằm lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng. Dù ông chưa nghe thông tin gì liên quan đến Sacombank nhưng ông cho là nên hỏi ý đại hội trước để nếu có ngân hàng nào đánh tiếng hay sát nhập sẽ dễ dàng cho quyết định của HĐQT.
Tùng Nguyên