Còn “treo” hơn 16.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại 5 lĩnh vực nhạy cảm

(Dân trí) - Số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính – ngân hàng, bất động sản) cần phải thoái tiếp từ nay đến cuối năm 2015 là 16.193 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiệm vụ được Quốc hội giao từ cuối năm 2011 là 23.325 tỷ đồng.

Bộ Tài chính dẫn số liệu Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, trong năm 2014, Công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã thực hiện thoái vốn đầu tư khỏi 5 lĩnh vực (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính – ngân hàng, bất động sản), thu về 4.292 tỷ đồng (so với giá trị thoái là 4.184 tỷ đồng).

Một số Công ty mẹ có giá trị thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng (tính theo giá trị sổ sách) tương đối lớn trong năm 2014 như: Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực (EVN) 588 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) 381 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam 381 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) 780 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) 315 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Lắp máy Việt Nam 263 tỷ đồng.

Vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước cần phải thoái tại những lĩnh vực nhạy cảm vẫn còn rất lớn
Vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước cần phải thoái tại những lĩnh vực nhạy cảm vẫn còn rất lớn

Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng đã chỉ ra giá trị đầu tư tăng thêm vào 5 lĩnh vực (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, bất động sản) là 1.401 tỷ đồng.

Đáng chú ý là giá trị đầu tư tăng thêm không phải bỏ tiền mua để đầu tư thêm mà do doanh nghiệp được nhận thêm cổ phiếu từ việc chia cổ tức, tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu công ty cổ phần có vốn đầu tư của Công ty mẹ.

Bước sang năm 2015, trong 10 tháng đầu năm, các đơn vị đã thoái được 4.460 tỷ đồng, thu được 4.113 tỷ đồng.

Cụ thể, lĩnh vực chứng khoán là 41 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là 1.213 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 105 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 2.930 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 171 tỷ đồng. Giá trị đầu tư tăng thêm vào lĩnh vực bất động sản là 21 tỷ đồng.

Như vậy, theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 21 ngày 26/11/2011, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, bất động sản) mà các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng.

Số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp từ nay đến cuối năm 2015 là 16.193 tỷ đồng (do một số đơn vị điều chỉnh lại Đề án tái cơ cấu nên số phải thoái giảm 1.731 tỷ đồng). Trong đó, lĩnh vực chứng khoán là 233 tỷ đồng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là 9.113 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 553 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 6.079 tỷ đồng, quỹ đầu tư là 215 tỷ đồng.

Chính vì vậy, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục “hối thúc” các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp.

Theo khẳng định của Bộ Tài chính, cơ chế chính sách “dọn đường” cho việc thoái vốn, cổ phần hóa đã được ban hành đầy đủ, kịp thời. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Đây là công cụ để Nhà nước giám sát, kiểm tra việc đầu tư, quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quy định rõ mục tiêu, nguyên tắc, hình thức, thẩm quyền và trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Luật này cũng khắc phục và chấn chỉnh việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải, đảm bảo công khai, minh bạch.

Bích Diệp

 

Còn “treo” hơn 16.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại 5 lĩnh vực nhạy cảm - 2