1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Các tỷ phú Mỹ kiếm thêm 565 tỷ USD trong dịch Covid-19

(Dân trí) - Trong 3 tháng Mỹ chống chọi với Covid-19, các tỷ phú Mỹ đã tăng thêm tổng cộng 565 tỷ USD tài sản. Trong khi đó, sự phân hóa giàu nghèo tại Mỹ ngày càng rõ rệt với gần 43 triệu người thất nghiệp.

Các tỷ phú Mỹ kiếm thêm 565 tỷ USD trong dịch Covid-19 - 1
Tài sản ròng của các tỷ phú Jeff Bezos, Elon Musk và Eric Yuan đã tăng mạnh từ hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS/Aly Song.

Theo báo cáo được Viện Nghiên cứu chính sách (IPS) công bố, tài sản của các tỷ phú Mỹ đã tăng thêm 565 tỷ USD trong giai đoạn từ ngày 18/3 – 4/6, tương đương mức tăng 20%. Tính tới ngày 4/6, tổng giá trị tài sản của các tỷ phú tại Mỹ là 3.512 nghìn tỷ USD. Đáng nói, theo IPS, trong 2 tháng qua, Mỹ còn có thêm 16 tỷ phú mới.

Danh sách 4 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ bao gồm nhà sáng lập tập đoàn Amazon Jeff Bezos, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Tesla và SpaceX Elon Musk, cùng người đồng sáng lập Google Sergey Brin. Bốn tỷ phú này bỏ túi thêm tổng cộng 94,3 tỷ USD.

Trong số đó, tài sản của Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos và vợ cũ Mackenzie Bezos tăng thêm lần lượt 36,2 tỷ USD và 12,6 tỷ USD. Tỷ phú Jeff Bezos là người dẫn đầu danh sách người giàu lên nhiều nhất trong đại dịch.

Tiếp đến, nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cũng thu về thêm 30,1 tỷ USD. Trong khi đó, tài sản của Elon Musk, chủ sở hữu Tesla và SpaceX, tăng thêm 14,1 tỷ USD. Các nhà sáng lập Google, Sergey Brin và Larry Page, lần lượt thu về thêm 13,9 tỷ USD và 13,7 tỷ USD.

Mặc dù đã rời khỏi công việc điều hành tại Microsoft song Bill Gates cũng kiếm về thêm 11,8 tỷ USD, trong khi Steve Ballmer, cựu CEO của gã khổng lồ công nghệ này nâng giá trị khối tài sản của mình thêm 13,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, nghiên cứu của IPS cũng cho thấy, kể từ đầu năm nay, một vài tỷ phú Mỹ đau lòng chứng kiến tài sản bị sụt giảm nhất là trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt. Điển hình, tỷ phú Warren Buffett đã mất 14 tỷ USD kể từ đầu năm 2020.

Mặt khác, sự phân hóa giàu nghèo và khoảng cách xã hội giữa các tầng lớp ở Mỹ ngày càng rõ rệt. Đã có gần 43 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp khi các ngành công nghiệp Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề. Trái ngược với các tỷ phú với khoản thu khổng lồ, người lao động Mỹ có thu nhập thấp, đặc biệt là nhân viên các ngành dịch vụ và du lịch đối mặt với khó khăn chồng chất.

Sàn chứng khoán Nasdaq ghi nhận mức đỉnh kỷ lục đáng kinh ngạc trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Sự hỗ trợ khẩn cấp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bao gồm giảm lãi suất về 0 và cam kết mua thêm lượng lớn trái phiếu đã làm các loại tài sản có tính rủi ro như cổ phiếu hấp dẫn hơn nhiều.

Các nhà đầu tư bị buộc phải tham gia vào canh bạc cổ phiếu, và những công ty công nghệ lớn nói riêng đang hưởng lợi lớn từ cuộc khủng hoảng. Cổ phiếu Amazon đã tăng 47% so với hồi giữa tháng 3, còn Facebook cũng nhanh chóng phục hồi về mức cao kỷ lục.

Bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường tại Invesco, bình luận: "Thị trường chứng khoán tăng vọt, thậm chí tách khỏi nền kinh tế thực, đang làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giàu nghèo cả nước Mỹ".

Theo giáo sư Edward Wolff của Đại học New York, chỉ 10% hộ gia đình hàng đầu sở hữu hơn 84% tổng số cổ phiếu trên thị trường Mỹ vào năm 2016. Điều này giải thích tại sao sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán sẽ giúp người giàu càng giàu hơn.

Hương Vũ

Theo NYT