Các trạm thu phí quanh hầm Đèo Cả sẽ được sắp xếp lại
(Dân trí) - Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã có văn bản báo cáo gửi Bộ GTVT và các tỉnh liên quan, trong đó nổi bật là việc sắp xếp lại các trạm thu phí hoàn vốn, cũng như lộ trình thực hiện thu phí theo quy định hiện hành.
Hiện công ty đã nhận bàn giao nguyên trạng trạm thu phí An Ninh từ ngày 1/7/2012 theo văn bản của Bộ GTVT. Theo quyết định của các cơ quan liên quan, trạm Ninh An sẽ dùng hoàn vốn cho dự án mở rộng quốc lộ 1A từ hầm Đèo Cả đến km 1445 (tỉnh Khánh Hòa) - công trình do Công ty đèo cả thực hiện.
Đối với trạm Bàn Thạch, sau khi được Bộ GTVT và Cục Đường bộ VN cho phép, Công ty Đèo Cả đã mua lại quyền thu phí đến hết năm 2014 của một công ty khác với giá 118 tỷ đồng. Sau khi hết thời hạn này, Công ty Đèo Cả sẽ thu phí thêm 31 năm nữa để thực hiện hoàn vốn theo hợp đồng dự án BOT và BT hầm Đèo Cả.
Theo Công ty Đèo Cả, mặc dù mức thu phí theo quy định tại 2 trạm này bằng 1,5 lần mức phí sử dụng đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách, nhưng đến nay công ty vẫn chưa tăng phí sử dụng đường bộ.
Như vậy, công ty Đèo Cả sẽ có quyền thu phí tại hai trạm Ninh An và Bàn Thạch, với mức phí tăng 3,5 lần từ năm 2016.
Để đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu phí theo quy định, Bộ GTVT sẽ dịch chuyển trạm Bàn Thạch về phía Nam thị xã Sông Cầu, và trạm Ninh An sẽ dịch chuyển về Km 1424 khi trạm BOT hầm đèo Cả đi vào hoạt động.
Công ty này cho biết, tính từ khi tiếp quản trạm Bàn Thạch với giá 118 tỷ đồng đến nay, công ty mới thu được 78 tỷ đồng từ nguồn thu phí, chưa đủ để bù đắp khoản hơn 400 tỷ đồng mà công ty đã ứng ra để lập dự án – khoản chi phí mà đáng ra nhà nước phải chi trả.
Theo Công ty Đèo Cả, trong khi chờ đợi việc thu xếp nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng nước ngoài và ngân sách, công ty cũng đã ký hợp đồng với VietinBank vay tổng cộng gần 4.600 tỷ đồng, trong đó 214 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng và tái định cư, 4.359 tỷ đồng để thi công gói BT. Việc giải ngân đã và đang được thực hiện theo tiến độ thi công các gói, hạng mục.
Để có được khoản vay này, Công ty Đèo Cả đã thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng dự án BOT & BT, và quyền khai thác cũng như toàn bộ nguồn thu từ hai trạm thu phí Ninh An và Bàn Thạch.
Liên quan đến việc thực hiện dự án này, hiện công tác GPMB cũng đang gặp khó khăn, do địa phương không bố trí được ngân sách để xây dựng khu tái định cư. Tại cuộc họp ngày 18/6 giữa Bộ GTVT chủ trì, lãnh đạo hai tỉnh Phú Yên và nhà đầu tư đã thống nhất để nhà đầu tư đứng ra vay vốn để xây dựng khu tái định cư và sẽ được địa phương hoàn trả lại sau.
“Các điều khoản để tiếp tục được vay vốn nhà đầu tư vẫn chưa làm việc xong, tuy nhiên để có nguồn trả lãi vay nhà đầu tư cần phải tăng mức phí lên 1,5 lần như quy định trong Hợp đồng dự án. Đây là một khó khăn ảnh hưởng đến khả năng vay vốn của Nhà đầu tư do Bộ GTVT chỉ thống nhất cho tăng mức phí từ năm 2016”, ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Đèo Cả cho biết trong báo cáo.
Hồng Kỹ