1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Các quan điểm về năng lực kiểm soát thuốc lá mới

Trường Thịnh

(Dân trí) - Vấn đề năng lực kiểm soát là một trong những lý do Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá mới, gồm thuốc lá nung nóng (TLNN), thuốc lá điện tử (TLĐT). Theo Bộ Y tế, TLNN, TLĐT đa dạng cấu tạo, cách sử dụng, do không dùng bật lửa để đốt cháy như thuốc lá điếu.

Bên cạnh đó, do chưa có khung pháp lý nên các loại TLĐT với thiết kế bắt mắt, mùi hương đa dạng tràn vào thị trường, càng gây lo ngại cho các cơ quan chức năng. Với quan điểm thận trọng, hiện có đề xuất cấm chung toàn bộ các mặt hàng này, mặc dù TLNN và TLĐT hoàn toàn khác nhau. Trong đó, TLNN đang được không ít bộ ngành, chuyên gia đồng thuận là phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), cũng như năng lực để quản lý và phòng chống tác hại của sản phẩm là trong tầm kiểm soát.   

Kiểm soát thêm TLNN: Việc tăng nhưng không ngoài năng lực

Tại tọa đàm "Phòng chống Buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp" ngày 16/10, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biế, theo đánh giá của các lực lượng thực thi pháp luật, nếu TLNN được thừa nhận, khó khăn về bộ máy, nhân sự, vật chất, kỹ thuật để quản lý là không quá lớn.

Theo đó, cách thức quản lý thuốc lá điếu hiện tại như thế nào, thì sẽ kiểm soát TLNN như vậy, nếu có thì chỉ là vấn đề phát sinh thêm biên chế.

Các quan điểm về năng lực kiểm soát thuốc lá mới - 1

Ông Lê Đại Hải (bên trái). Ảnh: Tiền phong

Ông Đỗ Hồng Trung, Phóng Chánh Văn phòng thường trực, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cũng nhấn mạnh, nếu cho lưu hành và sản xuất TLNN theo quy định, khuôn khổ, thì vẫn có thể trong tầm năng lực của Việt Nam. Điều quan trọng là cần có các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời.

Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) trình bày, bộ máy quản lý đã sẵn sàng, chỉ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành, từ Bộ Y tế, Bộ Công Thương, đến Bộ Công an và các cơ quan thực thi pháp luật khác.

Về mặt thẩm định khoa học, ông Lê Đại Hải cho rằng việc kiểm nghiệm để xác định thành phần trong TLNN, TLĐT là không có gì khó khăn. Trình độ khoa học kỹ thuật của Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được.Ông nêu, cứ áp dụng luôn hệ thống quản lý hiện nay, vì TLNN bản chất nó là thuốc lá. Điều đó cũng sẽ không phát sinh việc sửa luật tốn thêm nhiều thời gian, nguồn lực và ngân sách.  

Ở phương diện quản lý Nhà nước, ông Hải nhấn mạnh chỉ cần có hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn và quản lý nhập khẩu. Cách thức quản lý này sẽ giúp ngăn hàng lậu, đảm bảo chất lượng sản phẩm và chặn hàng không rõ nguồn gốc, thành phần đến tay người tiêu dùng.

Kiểm soát tác hại bằng cách quản lý sản phẩm

Tại tọa đàm, các đại biểu khẳng định thuốc lá nào cũng có hại, nhưng không phải "hại là cấm". Cụ thể, ông Hải so sánh TLNN với thuốc lá điếu: "Nếu cấm thì thuốc lá truyền thống cũng bị cấm rồi", vì TLNN và thuốc lá điếu cùng là các sản phẩm thuốc lá. Chỉ khác là tên gọi TLNN chưa được nêu rõ trong luật, dẫn đến một số tranh luận không cần thiết.

Kiến nghị cho việc thẩm định tác hại của TLNN, ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội đề xuất cần có quy định làm sao thực hiện mục tiêu giảm thiểu tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người. Văn bản này phải dựa trên kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước.

Trong nước, ông Ngọc cho biết: "Hiện đã có Trường Đại học Y Hà Nội, gồm một nhóm tác giả đã dựa trên nhiều nghiên cứu để đưa ra kết quả nghiên cứu đáng tin cậy về TLNN. Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm này."

Các quan điểm về năng lực kiểm soát thuốc lá mới - 2

Ảnh: tapchinghiencuuyhoc.vn

Mặt khác, đại biểu tại tọa đàm cũng làm rõ vấn đề liệu TLNN có tác động đến giới trẻ đến mức phải cấm hay không.

Cụ thể, Trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội xác định rõ, các sản phẩm TLNN phổ biến với độ tuổi trưởng thành, thu nhập ổn định. TLNN chủ yếu đến từ Đông Âu, Nhật Bản... qua đường xách tay hoặc nhập lậu qua biên giới. TLNN là sản phẩm có giá cao, khoảng 4-5 triệu đồng mỗi thùng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng đánh giá: TLNN cồng kềnh (vì gồm sạc, tẩu, điếu thuốc lá khô đặc chế - PV), chi phí lại cao, rất khó để giới trẻ sử dụng.

Các quan điểm về năng lực kiểm soát thuốc lá mới - 3

Trung tá Nguyễn Minh Tiến. Ảnh: Tiền Phong

Vấn đề được đại biểu đặt ra là TLNN cũng dùng nguyên liệu thuốc lá tự nhiên giống như thuốc lá điếu, chỉ thay đổi cách nung nóng thay vì đốt cháy… thì tại sao lại cấm.

Trước đó, tại Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV ngày 5/6/2024, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định sẽ chờ Bộ Y tế đánh giá chính thức về tác hại của TLNN, TLĐT. Nếu Bộ Y tế khẳng định sản phẩm thuốc lá mới nào có hại sức khỏe tới mức phải cấm thì cần sớm sửa đổi quy định pháp luật liên quan để cấm lưu hành.

Theo các cơ quan chức năng, cần sớm phân loại rõ để có hướng quản lý riêng biệt đối với TLNN, TLĐT. Điều này giúp tăng cường hiệu quả phòng chống buôn lậu, đồng thời đóng góp vào kinh tế, ngân sách Nhà nước, thay vì phải đối diện với quan ngại liệu có phải "quản không được thì cấm".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm