Các "ông lớn" dược phẩm chống chịu với Covid-19 ra sao?

Mai Chi

(Dân trí) - Chi tiêu chăm sóc sức khỏe là khoản chi tiêu thiết yếu và nhu cầu chỉ tạm trì hoãn trong thời gian ngắn, do đó, khả năng tăng trưởng của ngành dược được đánh giá là rất cao.

Dược phẩm là một trong những lĩnh vực được đánh giá là có kết quả kinh doanh khá vững vàng trong năm 2020 bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Một báo cáo được Vietnam Report công bố hồi cuối năm ngoái cho hay, so với các ngành khác thì dược phẩm là một trong những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất từ đại dịch Covid-19, vì đây là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người dân.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp dược về tác động của Covid-19 đến ngành dược cho thấy 64,3% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải; 28,6% doanh nghiệp đánh giá tác động ít, không đáng kể và chỉ có 7,1% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng.

Các ông lớn dược phẩm chống chịu với Covid-19 ra sao? - 1

Sự bùng phát của đại dịch khiến cho nhu cầu về dược phẩm tăng đột biến với các dòng thuốc tăng cường sức đề kháng. Các bệnh viện và cả khách hàng cá nhân đều có nhu cầu tích trữ thuốc để phòng dịch.

Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành vật tư y tế việc sản xuất, cung cấp các trang thiết bị y tế, các dụng cụ bảo hộ trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã góp phần tăng doanh thu đáng kể cho các doanh nghiệp này, thậm chí có những doanh nghiệp doanh thu thuần và lợi nhuận tăng trưởng ba con số so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp ngành dược và vật tư y tế nào cũng được hưởng lợi mà tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp dược tương đối phân hóa trong đại dịch Covid-19.

Bên cạnh những doanh nghiệp lãi khủng, tăng trưởng mạnh, ngành dược cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận, trong đó có doanh nghiệp ghi nhận lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Mặc dù tình hình đã được cải thiện sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp dược trong khảo sát của Vietnam Report, mức phục hồi vẫn chưa đạt như trước khi có đại dịch. Điều này minh chứng qua kết quả kinh doanh của các công ty dược nội địa hầu như không tăng trưởng trong 9 tháng.

Theo tổng hợp của Vietstock, trong quý III/2020, 18 doanh nghiệp dược niêm yết trên sàn chứng khoán đã tạo ra gần 8.796 tỷ đồng doanh thu thuần và 530 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 4,9% và tăng 7,6% so cùng kỳ.

Trong khi đó, số liệu từ SSI Research lại cho thấy, tổng doanh thu lũy kế 9 tháng năm 2020 của các công ty dược phẩm niêm yết ở Việt Nam đạt 10.800 tỷ đồng (giảm 1,3% so cùng kỳ) nhưng tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng năm 2020 của các công ty này lại tăng 12,6% so với cùng kỳ, đạt 1.500 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán hiện có những doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm tiêu biểu như Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN), Imexpharm (IMP), Dược Hậu Giang (DHG), Traphaco (TRA), Domesco (DMC), Dược phẩm OPC (OPC), Dược Hà Tây (DHT), Dược phẩm Trung ương 3 (DP3), Nông dược H.A.I (HAI), Y tế Danameco (DNM),…

Về triển vọng năm 2021, SSI Research cho rằng, dịch Covid-19 là thách thức lớn đối với kết quả hoạt động của ngành, đặc biệt trong trường hợp nếu dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng.

Tuy nhiên, chi tiêu chăm sóc sức khỏe nhìn chung là khoản chi tiêu thiết yếu và nhu cầu chỉ tạm trì hoãn trong thời gian ngắn, do đó, khả năng ngành phục hồi trong năm 2021 là rất cao.

Các ông lớn dược phẩm chống chịu với Covid-19 ra sao? - 2

SSI ước tính doanh thu dược phẩm Việt Nam năm 2021 tăng 15% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng kép giai đoạn 2015-2019 là 11,8%. Ước tính tiêu dùng cho y tế sẽ trở lại mức bình thường vào năm 2021, khi quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng và nhu cầu khám bệnh của người dân tăng trở lại.

Ngoài ra, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh và thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng dài hạn của thị trường chăm sóc sức khỏe.