Các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đang “thoi thóp”
(Dân trí) - Các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đang gặp nhiều khó khăn do lượng xăng sinh học (xăng E5) tiêu thụ trong nước ít và giá ethanol xuất khẩu thấp, không đủ bù chí phí giá thành.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị tập huấn “Tuyên truyền và phổ biến kiến thức về vai trò quan trọng và hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường của nhiên liệu sinh học trong sự phát triển bền vững” tại Đà Nẵng, sáng 25/7, do Bộ Công thương tổ chức.
Các nhà máy hoạt động cầm chừng
Sản phẩm của các công ty này được tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 20% để phối trộn xăng E5 và bán theo hệ thống phân phối của Tập đoàn dầu và Công ty Sài Gòn Petro. Phần lớn còn lại khoảng 80% sản lượng sản xuất được xuất khẩu cho các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines ở dạng 99,5% và 96% ethanol. Do khó khăn về thị trường, phần lớn các sản phẩm nhiên liệu sinh học của các nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp, giá bán không bù chi phí giá thành do giá ethanol trên thế giới năm 2012 xuống thấp, giá nguyên liệu sắn thời gian tăng cao và nhiều nguyên nhân của quan, khách quan khác.
Doanh nghiệp thờ ơ
Theo lộ trình sử dụng xăng sinh học được Thủ tướng phê duyệt thì từ ngày 1/1/2014, xăng sinh học E5 sẽ được sử dụng cho các phương tiện giao thông tại 7 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa-Vũng Tàu. Và kể từ ngày 1/12/2015, xăng E5 sẽ được sử dụng rộng rãi cho các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, nhiều doanh kinh doanh xăng dầu vẫn chưa nhập cuộc.
Theo Tập đoàn dầu khí Việt Nam, thực tế đến nay mới chỉ có 3 trong số hơn 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tham gia triển khai kinh doanh xăng E5 với quy mô nhỏ lẻ. Tổng lượng xăng E5 do Tập đoàn dầu khí Việt Nam cung cấp ra thị trường chỉ khoảng 22.000m3, nếu tính theo lượng sản phẩm E100 chỉ băng 1,1% công suất sản xuất của một nhà máy ethanol. Vì vậy để đảm bảo cho các nhà máy ethanol hoạt động ổn định, tránh tồn kho quá lớn, các nhà máy sản xuất ethanol buộc phải xuất khẩu ethanol sang một số nước lân cận trong khu vực như Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc...
“Có thể nhận thấy tốc đố phát triển mạng lưới phân phối còn chậm và chưa tương xứng với tốc độ phát triển các cơ sở sản xuất. Điều này gây trở ngại lớn cho việc tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất ethanol nhiên liệu”, ông Hiệp nói.
Khánh Hồng