Các nhà bán lẻ Việt Nam đang… hụt vốn

(Dân trí) - Trước sức ép của làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam thông qua lĩnh vực bán lẻ, liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) vừa kiến nghị lên thành phố về việc tổ chức lại bộ máy hoạt động để chuẩn bị bước vào giai đoạn cạnh tranh hội nhập.

Hơn 17 năm hoạt động, doanh nghiệp này gặp không ít khó khăn về vốn do phải họat động theo Luật hợp tác xã với mức vốn khởi điểm rất thấp.

Hơn nữa, hiện nay các HTX đủ mạnh để đương đầu với các tập đoàn nước ngoài như Saigon Co.op vẫn đang loay hoay tìm giải pháp thu hút nguồn vốn từ các xã viên. Trong khi đó, với những hệ thống bán lẻ khác, việc thu hút các nguồn vốn để phát triển khá dễ dàng.

Trao đổi với Dân trí, nhiều vị chủ nhiệm HTX tại TPHCM tỏ ra rất lo lắng trước tình hình hoạt động của đơn vị mình trước thềm hội nhập WTO. Theo luật HTX hiện hành, doanh nghiệp không được huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu hoặc thực hiện cổ phần hóa như loại hình doanh nghiệp nhà nước để huy động thêm vốn đầu tư từ xã hội mà chỉ huy động vốn từ các HTX thành viên.

Thực tế cho thấy, nhiều HTX thành viên hiện vẫn đang hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều HTX có lợi thế về mặt bằng thì lại đem cho tư nhân thuê mở nhà hàng, quán ăn… Vì vậy, năng lực cạnh tranh của thành phần kinh tế này rất thấp.

Dự kiến nhu cầu vốn để xây dựng 35 siêu thị Co.opMart và 3 Trung tâm thương mại cao cấp tại khu vực Hồ Con Rùa, khu Nam Sài Gòn và số 168 Nguyễn Đình Chiểu (Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu) đến năm 2010 là 2.000 tỷ đồng. Vì thế, để giải bài toán này, Saigon Co.op xin vay vốn kích cầu đầu tư của TPHCM, đồng thời xin thành lập công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh siêu thị Co.opMart để huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài. Đây sẽ là một đơn vị trực thuộc Saigon Co.op chuyên kinh doanh siêu thị bán lẻ.

Thêm một sức ép mới đối với các nhà bán lẻ trong nước, đó là việc mới đây, ngày 23/10, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Công ty Lotte Vina Shopping (liên doanh giữa doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Minh Vân và Công ty Lotte Shopping Co., Ltd - Nhật Bản) đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu đầu tư chuỗi 15 trung tâm thương mại tổng hợp tại TPHCM. Trung tâm đầu tiên dự kiến được xây dựng tại khu vực đường Quang Trung (Gò Vấp) với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD.

Được biết, thị trường bán lẻ VN hiện xếp thứ ba thế giới về thu hút các tập đoàn bán lẻ với những lý do như dân số đông, trong đó một nửa dân số VN dưới tuổi 30; chi tiêu của người tiêu dùng tăng 16% và doanh số bán lẻ tăng 20% trong giai đoạn 2004 - 2005. Doanh số bán lẻ thi trường VN được dự tính khoảng trên 20 tỷ USD mỗi năm.

Việt Nam hiện cũng đã có nhiều tập đoàn phân phối lớn của thế giới như: Metro Cash&Carry (Đức) với 8 trung tâm đang hoạt động tại TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. BigC có 5 siêu thị đang hoạt động (2 ở TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng). Tập đoàn bán lẻ Parkson (Malaysia) mở chuỗi cửa hàng cao cấp ở TPHCM, sắp tới là Đà Nẵng, Hà Nội. Tập đoàn Dairy Farm (Singapore) cũng đang đầu tư vào hệ thống siêu thị Citimart tại TPHCM và Cần Thơ.

N.Lê