Các hãng hàng không quốc tế “than” phí cao, lo hacker tại Việt Nam

Tại một diễn đàn mở do Bộ GTVT tổ chức ngày 18.11, các hãng hàng không quốc tế đang khai thác tại Việt Nam đã có dịp than thở về những cái khó khi kinh doanh tại Việt Nam.

Hiệp hội các hãng hàng không khai thác cho rằng Việt Nam cần có các biện pháp nhằm giảm thiểu tiếng ồn tại nhà ga và Cục Hàng không cho biết việc duy trì cung cấp thông tin cho hành khách là cần thiết nhưng cục sẽ yêu cầu Tổng công ty cảng hàng không (ACV) nghiên cứu mở rộng hệ thống thông tin không tiếng ồn tại các sân bay quốc tế.

Các hãng hàng không quốc tế “than” phí cao, lo hacker tại Việt Nam - 1

Còn đại diện của Cebu Pacific nhận xét hiện tại ở các nhà ga đi có rất ít cây rút tiền ATM cũng như thiếu nhân lực phục vụ tại sân bay, đặc biệt tại khu vực xuất nhập cảnh và an ninh hàng không và đề nghị cần bố trí canh gác tàu bay. Trả lời về vấn đề này, Cục HKVN khẳng định an ninh hàng không đảm bảo an toàn cho tầu bay đỗ tại sân và có các biện pháp chống xâm nhập tàu bay bất hợp pháp và sẵn sàng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu riêng.

Đại diện Cebu Pacific cũng đề nghị Việt Nam có các biện pháp phòng chống chim va đập trong khi Cathay Pacific và Dragonair cho rằng cần nâng cao chất lượng phục vụ đồ ăn, uống cho một lượng hành khách lớn khi bị chậm chuyến, huỷ chuyến và đề xuất cơ quan quản lý cho phép các công ty suất ăn được tham gia cung cấp suất ăn trong những trường hợp này.

Liên quan tới phí khai thác tại các sân bay Việt Nam, hiệp hội các hãng hàng không khai thác đánh giá đang ở mức cao trong khu vực và đề xuất các biện pháp giảm giá gỡ khó cho DN.

Về vấn đề này, Cục hàng không cho rằng chi phí khai thác của Việt Nam cao thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Thailand và được xây dựng và đưa ra ở mức hợp lý, tuân thủ theo các hướng dẫn của ICAO và có nhiều loại giá được giữ ổn định từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, Cục cũng có chính sách giảm giá cụ thể cho các hãng hàng không khi mở mới các đường bay nhằm chia sẻ khó khăn về tài chính trong giai đoạn đầu khai thác đi/đến Việt Nam.

Ngoài ra, sau sự cố an ninh mạng, một số hãng hàng không quốc tế cũng đặt câu hỏi về các biện pháp đảm bảo an ninh mạng tại sân bay. Cục Hàng không cho biết đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, đánh giá xem xét tất cả các hệ thống CNTT sau khi có các cuộc tấn công đồng thời xây dựng các kịch bản ứng phó chống tấn công mạng.

Theo thống kê, từ chưa đến 20 hãng hàng không nước ngoài khai thác đến Việt Nam vào năm 1993 với hơn 20 đường bay quốc tế; đến nay đã có 55 hãng hàng không nước ngoài với gần 100 đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng về hành khách, hàng hóa luôn đạt mức trung bình 14 -15%/năm trong giai đoạn 20 năm qua.

Theo: Khánh Hoà

Lao động