Các đơn vị cần tập trung hơn, quyết liệt hơn để đảm bảo tiến độ các dự án nguồn và lưới điện

Trường Thịnh Xuân Tiến

(Dân trí) - Đó là yêu cầu của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Dương Quang Thành tại cuộc họp sơ kết 3 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo xây dựng các dự án điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia của EVN.

Cuộc họp diễn ra sáng ngày 16/4, tại TP. Đà Nẵng. Tham dự cuộc họp có Tổng giám đốc EVN - Trần Đình Nhân; các Thành viên HĐTV EVN Đặng Huy Cường, Nguyễn Đức Cường; các Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh, Phạm Hồng Phương; lãnh đạo các Ban Tập đoàn, 9 Tổng công ty thuộc Tập đoàn, các Ban QLDA Điện 1, 2, 3 và Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia.

Tại cuộc họp, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị, các Ban QLDA trong Tập đoàn đã bám sát các kế hoạch đề ra, công tác đầu tư xây dựng quý I/2021 có nhiều khởi sắc. Đây là công việc trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc, vì vậy cần tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Các đơn vị cần tập trung hơn, quyết liệt hơn để đảm bảo tiến độ các dự án nguồn và lưới điện - 1

Chủ tịch HĐTV EVN phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Chủ tịch HĐTV EVN yêu cầu các Ban quản lý dự án, đơn vị cập nhật các dự án trong kế hoạch 5 năm (2021-2025), chủ động làm việc với các địa phương để bổ sung quy hoạch vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Giao các ban chức năng liên quan tiếp tục đề xuất bổ sung một số dự án thủy điện mở rộng, báo cáo Ban Chỉ đạo để đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII; giao các đơn vị tư vấn nghiên cứu đầu tư các dự án thủy điện cột nước thấp. Tăng cường ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số trong công tác giám sát đầu tư, các thủ tục chuẩn bị đầu tư, quản lý chất lượng và tiến độ dự án, bổ sung hoàn thiện quy chế đầu tư xây dựng.

Để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án điện nằm trong danh mục, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành yêu cầu Ban Kế hoạch EVN cập nhật tiến độ và hoàn thiện báo cáo để Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực chỉ đạo các địa phương hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ các dự án đang gặp vướng mắc.

Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo, trong 3 tháng đầu năm 2021, tuy gặp nhiều khó khăn như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các dự án nằm trong danh mục triển khai bám sát theo kế hoạch đã được Ban Chỉ đạo đề ra. Các đơn vị kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc để Ban Chỉ đạo có các chỉ đạo kịp thời.

Trong 03 tháng vừa qua, Tập đoàn đã tổ chức khởi công Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, đóng điện các Dự án TBA 220kV Mường Tè và đường dây 220kV Mường Tè - Lai Châu; Đóng điện máy biến áp AT2- 600MVA tại trạm biến áp 500kV Nho Quan Đóng điện giai đoạn 1 đường dây 500kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo, việc triển khai các dự án hiện nay gặp một số vướng mắc liên quan về thủ tục đến Luật Bảo vệ Môi trường. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án điện ngày càng khó khăn phức tạp, một số dự án trọng điểm vướng mắc kéo dài, đặc biệt các vướng mắc về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc đất và bất cập về đơn giá bồi thường. Đặc biệt là các dự án lưới điện liên kết nhập khẩu điện Lào và các dự án phục vụ truyền tải công suất các NMTĐ khu vực Tây Bắc đều đi qua đất rừng phải thực hiện theo Nghị định 83/2020/NĐ-CP.

Ngoài các khu vực nội đô, trung tâm các thành phố/tỉnh thành thường xuyên gặp vướng mắc trong công tác BT-GPMB, đã xuất hiện thêm các khu vực do sự phát triển nóng của các nguồn điện NLTT dẫn đến công tác BT-GPMB càng khó khăn trong điều kiện yêu cầu gấp về tiến độ các dự án đồng bộ nguồn NLTT.

Ngoài ra, quá trình triển khai còn gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư kéo dài do việc điều chỉnh Luật Đầu tư công và Nghị định sửa đổi, bổ sung số 56/2020/NĐ-CP về việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài ngày 25/5/2020 được Chính phủ thông qua và có hiệu lực.