Các công ty "họ" FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết làm ăn ra sao?
(Dân trí) - Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, doanh nghiệp 10.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, chỉ lãi vỏn vẹn 65 tỷ đồng sau 6 tháng. Mục tiêu lãi sau thuế cả năm là 880 tỷ đồng, sau nửa năm, FLC đạt 7% kế hoạch đặt ra.
FLC thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) công bố doanh thu thuần quý II đạt 1.262 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thấp hơn giá vốn, FLC tiếp tục lỗ gộp 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ gộp hơn 800 tỷ đồng vào quý II/2020.
Ban lãnh đạo FLC cho biết do các công ty con kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên doanh thu tiếp tục bị tác động tiêu cực.
Nhưng FLC tiếp tục thoát lỗ nhờ doanh thu hoạt động tài chính hơn 450 tỷ đồng trong quý II, cao hơn gần 90% so với cùng kỳ 2020. Nhờ đó, tập đoàn của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết báo lãi sau thuế 22 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, FLC lỗ ròng gần 900 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, FLC đạt doanh thu thuần 3.748 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của FLC sụt giảm mạnh khi tập đoàn không còn hợp nhất kết quả của hãng hàng không Bamboo Airways vào báo cáo tài chính. Tại thời điểm 30/6, FLC chỉ còn sở hữu 25,9% cổ phần Bamboo Airways và không còn là công ty mẹ của hãng bay này.
Sau khi không còn hợp nhất số liệu của Bamboo Airways, giá vốn của FLC cũng giảm mạnh. Nhờ đó, FLC vẫn có lãi gộp 58 tỷ đồng sau 6 tháng trong khi cùng kỳ lỗ gộp hơn 2.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoản lợi nhuận gộp ít ỏi nói trên chỉ tương đương khoảng 1/10 tổng các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp lên tới gần 580 tỷ đồng trong kỳ. Một lần nữa, doanh thu từ hoạt động tài chính lại cứu tập đoàn của đại gia Trịnh Văn Quyết tránh cảnh thua lỗ.
Sau 6 tháng, FLC ghi nhận tới 599 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, bình quân khoảng 100 tỷ đồng/tháng. Trong đó 410 tỷ đồng là tiền thanh lý các khoản đầu tư và gần 190 tỷ đồng đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Lợi nhuận sau thuế của FLC sau nửa đầu năm đạt 65 tỷ đồng. Dù mức lãi khiêm tốn so với quy mô vốn chủ sở hữu gần 10.000 tỷ đồng, kết quả này cải thiện nhiều so với khoản lỗ ròng 2.790 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Năm nay, FLC đặt kế hoạch doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn này mới đạt vỏn vẹn 7% chỉ tiêu lợi nhuận sau 2 quý đầu tiên.
Đến ngày 30/6, tổng tài sản của FLC hơn 32.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng tiền mặt của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn hơn 230 tỷ đồng. FLC còn đang nắm giữ hơn 260 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, phần lớn đến từ số cổ phiếu HAI của Công ty Cổ phần Nông dược H.A.I. Tuy nhiên, tập đoàn phải trích lập dự phòng tới 160 tỷ đồng cho khoản đầu tư trên.
FLC Faros sắp cán đích lợi nhuận
Tại Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS), doanh thu quý II lại tăng tới hơn 600% so với cùng kỳ năm trước lên 605 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tăng mạnh, FLC Faros thoát cảnh lỗ gộp.
Song song đó, công ty cũng có nguồn thu tài chính 26 tỷ đồng từ lãi hoạt động cho vay, đồng thời tiết giảm mạnh chi phí lãi vay, quản lý doanh nghiệp. Nhờ các yếu tố trên, FLC Faros báo lãi ròng 15 tỷ đồng trong quý II, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ sau thuế 151 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu của FLC Faros đạt 1.028 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Cũng với các biện pháp tăng nguồn thu từ hoạt động tài chính, giảm các chi phí lãi vay, quản lý doanh nghiệp, FLC Faros có lãi sau thuế 33 tỷ đồng sau nửa đầu năm.
Năm nay, FLC Faros đặt mục tiêu doanh thu 2.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 46 tỷ đồng. Như vậy, dù mới chỉ thực hiện được 35% chỉ tiêu doanh thu, FLC Faros đã hoàn thành tới 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 6 tháng.
FLC GAB không lãi nổi 1 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (FLC GAB, mã chứng khoán: GAB), công bố doanh thu quý II đạt 93 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ 2020.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của FLC GAB đi xuống rõ rệt khi biên lợi nhuận gộp giảm mạnh. Dù doanh số tăng vọt, lãi gộp của công ty chỉ vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng, cao hơn vài trăm triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Với mức lợi nhuận gộp quá thấp, sau khi hạch toán các chi phí hoạt động, thuế thu nhập doanh nghiệp, FLC GAB chỉ còn hơn 600 triệu đồng lãi ròng trong quý II.
Sau 6 tháng, FLC GAB báo cáo doanh thu 172 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi sau thuế của công ty thậm chí chưa cán nổi mốc 1 tỷ đồng. Dù chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận cả năm ở mức 6 tỷ đồng, doanh nghiệp mới hoàn thành 15% chỉ tiêu sau 1/2 thời gian.
Dù vậy, ở trên sàn chứng khoán, GAB đang được giao dịch ở mức 194.300 đồng/cổ phiếu. Đây là cổ phiếu có thị giá cao thứ hai trên sàn HSX, chỉ sau mã VCF của Vinacafe Biên Hòa (250.000 đồng/cổ phiếu).
Thị giá cao chót vót trong khi lợi nhuận quá mỏng, định giá của GAB theo chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phần) lên tới hơn 1.450 lần, mức đắt đỏ không tưởng khi P/E bình quân của VN-Index hiện tại chỉ hơn 15 lần.
Dù không giữ chức vụ điều hành nào tại FLC GAB, ông Trịnh Văn Quyết là người nắm toàn quyền chi phối công ty với tỷ lệ sở hữu 51%.
Dù chỉ có tổng tài sản hơn 200 tỷ đồng, FLC GAB lại sẽ nhận sáp nhập FLC Faros với tổng tài sản hơn 11.500 tỷ đồng. Chủ trương thực hiện thương vụ sáp nhập "ngược" này đã được thông qua từ năm 2020 nhưng đến nay chưa có tiến triển.
Ban lãnh đạo FLC Faros lý giải với cổ đông do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên các công ty đều phải tập trung đối phó, phòng chống dịch và đảm bảo hoạt động kinh doanh. Do đó, kế hoạch sáp nhập sẽ kéo dài hơn dự kiến. Sếp FLC Faros cam kết với cổ đông sẽ công bố thông tin khi có các phương án chi tiết nhưng không nhắc đến mốc thời gian cụ thể nào.