Ca sĩ Mỹ Linh, họa sĩ Thành Chương xây công trình trái phép

(Dân trí) - Kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của gia đình ca sĩ Mỹ Linh trên Sóc Sơn, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, nhiều công trình xây dựng không phép. Còn phủ Thành Chương của họa sĩ Thành Chương lại được xây dựng trên diện tích rừng đặc dụng.

Kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội do ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc sở ký chỉ rõ quá trình sử dụng đất của gia đình ông Trương Anh Quân (nhạc sĩ Anh Quân) và bà Đỗ Mỹ Linh (ca sĩ Minh Linh) cùng với phủ Thành Chương của họa sĩ Thành Chương có nhiều sai phạm.

Khu nhà của Mỹ Linh - Anh Quân ở Sóc Sơn
Khu nhà của Mỹ Linh - Anh Quân ở Sóc Sơn

Năm 2001, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh nhận chuyển nhượng diện tích 12.691m2 đất của ông Đỗ Xuân Lâm (nguyên là công nhân lâm trường). Việc chuyển nhượng được UBND xã Minh Phú xác nhận. UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất ở 600m2, trên tổng diện tích 12.691m2 đất rừng phòng hộ.

Đến năm 2009, ca sĩ này xây dựng các công trình nhà ở phòng thu và các công trình phụ cận như: 1 nhà ở và 1 phòng thu diện tích khoảng 390m2, 1 bể bơi khoảng 60m2, ngoài ra gia đình Mỹ Linh còn xây dựng nhà để xe, các công trình phụ trợ khác.

Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết, gia đình Mỹ Linh trình bày việc xây dựng các công trình được UBND huyện Sóc Sơn cấp phép, thế nhưng không cung cấp được giấy phép xây dựng các công trình cho đoàn thanh tra. Hơn nữa, quá trình xây dựng các cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn, UBND xã Minh Phú và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Sóc Sơn kiểm tra xử lý.

Qua thanh tra, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho biết, phủ Thành Chương của gia đình họa sĩ Thành Chương đang kinh doanh nhiều dịch vụ du lịch, tham quan và ăn uống tại nằm trên diện tịch đất rừng đặc dụng tại Hiền Ninh. Điều đáng nói UBND xã Hiền Ninh đã nhiều lần báo cáo UBND huyện Sóc Sơn có biện pháp xử lý dứt điểm, nhưng đến nay trường hợp này vẫn tiếp tục xây dựng công trình trên đất rừng đặc dụng.

Đối với 7 xã gồm Phù Linh, Nam Sơn, Quang Tiến, Minh Phú, Hiền Ninh, Tiên Dược, Hồng Kỳ kết luận Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, do chưa chặt chẽ, thiếu sâu sát trong quản lý đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, UBND các xã đã để cho các hộ gia đình cá nhân giao đất lâm nghiệp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm nhà tạm trên đất ở. Cám bộ địa chính và Thanh tra xây dựng xã buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở, kinh doanh ăn uống…

Cá biệt, có những hộ gia đình xây dựng với diện tích lớn như phủ Thành Chương (xã Hiền Ninh); Ngô Văn Can, Đỗ Trọng Khanh, Đỗ Mỹ Dung, Trương Anh Quân và Đỗ Mỹ Linh (xã Minh Phú)… xây dựng không phép nhưng chưa xử lý bất cứ trường hợp nào.

Để xảy ra các hiện tượng vi phạm như trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND, cán bộ địa chính, Thanh tra xây dựng và các phòng ban chuyên môn huyện Sóc Sơn và Công ty TNHH một thành viên đầu tư nông lân nghiệp Sóc Sơn.

Quang Phong