Cá rô lội ngược

(Dân trí) - Ở xứ Trảng Cò (Cà Mau), cá rô đồng là đặc sản lừng lẫy một thời, có hàng ngàn chuyện về sự trù phú của cá rô. Thế nhưng hiện nguồn đặc sản này đang trở nên cạn kiệt. Đặc biệt mới đây, Cà Mau còn phải xuất ngân sách để mua cá rô giống ở nơi khác về thả. Dân trí xin giới thiệu bạn đọc bài viết "cá rô lội ngược" của nhà văn Võ Đắc Danh.

Cá rô lội ngược - 1

Quê vợ tôi ở kinh Trảng Cò, một con rạch nhỏ nằm ở ven rừng U Minh hạ. Ba mươi năm trước, khi chúng tôi mới quen, mỗi lần muốn về thăm, tôi phải đi xe đò từ Bạc Liêu xuống Cà Mau, rồi từ Cà Mau ngồi tàu đò hơn ba tiếng đồng hồ mới tới Rạch Ráng. Từ rạch Ráng, lội bộ hơn bốn cây số mới tới Trảng Cò. Nhưng những lần về thăm như vậy, ít khi tôi đi vòng theo xóm mà hễ tàu đò vừa ghé chợ Rạch Ráng là tôi cứ nhắm hướng rồi băng đồng. Ngay cả mùa mưa, dù phải lội mấy chục công đất cày nhưng tôi vẫn lội để rút ngắn thời gian.

Cá rô lội ngược - 2

Mùa sa mưa, mỗi sáng tôi thường ra ngồi trên sàn nước, giáp với mé ruộng phía sau nhà để câu cá rô con, cá mới đẻ chừng một hai tháng tuổi mà dân quê thường gọi là cá rô thóc. Chặt một cành trúc nhỏ hoặc một nhánh tre gai, cột sợi dây câu bằng cọng chỉ may quần áo se lại làm đôi. Lưỡi câu cũng uốn bằng cây kim may quần áo, loại kim may tay thật nhỏ, không cần ngạnh. Mồi câu là một con mắm sống, xé ra từng miếng nhỏ li ti. Vừa thả mồi xuống là một bầy cá rô con bu lại. Chỉ cần gặt nhẹ là dính một con cá. Cứ thế, chúng tôi vừa câu vừa tâm sự. Đến lúc cảm thấy cá dư một bửa ăn thì cho vào cái rổ dầy, dùng miếng vỏ dừa khô chà qua chà lại mấy vòng cho cá rô sạch vẩy rồi ngắt hầu rửa sạch. Bắc cái tô sành lên bếp, cho vào mấy muỗng nước mắm ngon, một tí đường, một tí mỡ, một tí bột ngọt, một tí tiêu. Khi nước mắm sôi ùn lên thì đổ cá rô vào, đợi cho sắt lại và dọn cơm ra ăn liền khi cái tô cá còn sôi ụt ụt.

Cá rô lội ngược - 3

Tình cảm chúng tôi lớn dần theo những sinh hoạt chân quê như thế.

Mùa lúa trổ đòng đòng, mỗi lần về Trảng Cò thì tôi mua theo vài tay lưới. Chiều xuống bơi xuồng ra ruộng, vét một đường rong trong kẽ lúa, kéo tay lưới xuống đó. Sáng ra cá rô lôi liệt cả cặp đài, tay lưới cuốn tròn, không còn chổ nào để gở, thậm chí thấy cá nhiều hơn lưới.

Mùa lúa chín, tôi vác rá ra đồng, chọn những khu đất trũng, đào một cái hầm trên bờ mẫu, lấy đất bùn vuốt láng trên miệng hầm. Xong cứ bỏ đó vô nhà, ngồi hút vài điếu thuốc rồi xách giỏ ra thăm. Cá rô nhảy đầy hầm đến một mình không xách nổi.

Cá rô mùa lúa chín thì không còn gì phải nói. Do nó ăn những bông lúa mới vừa ngậm sữa nên mỡ đầy bụng, thịt vừa béo, vừa thơm, vừa ngon một cách lạ lùng. Ngoài món kho tộ truyền thống, cá rô mùa lúa chín còn đặc biệt ngon hơn với món nướng trui và nấu canh chua cơm mẻ với bông so đũa, bỏ vô một nắm rau tần.

Hình ảnh con cá rô phóng lên khỏi mặt nước chừng năm ba tấc để đớp cho kỳ được hạt lúa vừa ngậm sữa đã trở thành quen thuộc với người dân xứ U Minh. Nhưng có một thời nó trở thành chuyện trà dư tửu hậu trong làng báo Cà Mau. Số là, lúc ấy anh Sáu Kiên làm Tổng biên tập báo ảnh Đất Mũi. Một hôm, khi bàn chuyện làm báo tết, anh giao cho tổ phóng viên ảnh phải chụp cho được hình ảnh con cá rô đang phóng lên đớp bông lúa chín. Sau đó dân trong làng ảnh Cà Mau biến cái ý tưởng của anh Sáu Kiên thành mẩu chuyện hài. Nhưng rồi mọi người cũng bất ngờ khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Nguyễn đã làm được điều kỳ diệu đó. Anh vác cái ông kính tele 500 xuống U Minh rình rập suốt cả tuần, tốn gần chục cuốn phim để thực hiện một cách trọn vẹn ý đồ của Tổng biên tập.

Ở Cà Mau, trong những lúc trà dư tửu hậu, hễ nhắc đến cá rô thì mỗi người một chuyện, thi nhau mà kể, người sống nhiều thì kể nhiều, hàng ngàn chuyện về sự trù phú của cá rô.

Có lần ông Sáu Dân về làm việc. Khi ngồi nghe một vị lãnh đạo tỉnh báo cáo về các mô hình kinh tế, trong đó có mô hình nuôi cá chép, cá mè, cá trắm cỏ. . . ông Sáu gạt ngang: Ở xứ nầy phải nói rằng món ăn hàng đầu là cá rô kho xoong đất, tại sao các anh không tính đến chuyện phát triển con cá rô. Các loại cá công nghiệp hãy để cho xứ khác người ta làm.

Sau chuyện ấy, nhiều người giật mình nhớ ra chuyện khác. Hồi ông Sáu Dân còn làm bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông đã cho người xuống Cà Mau mua hàng chục tấn trái đước về trồng ở Cần Giờ. Gần hai mươi năm sau, khi ông đang làm Thủ tướng, lúc ấy rừng đước Cần Giờ đã thành khu du lịch sinh thái nổi tiếng thì rừng đước Cà Mau cũng đến hồi cạn kiệt. Trong một chuyến về Cà Mau, ông nói: Mấy anh có cần mua trái đước về trồng lại rừng thì lên Cần Giờ tôi bán lại cho.

Chiều nay, bổng dưng anh Nguyễn Bé - Tổng biên tập báo Cà Mau - gọi điện cho tôi, giọng anh vừa có hơi men rượu, vừa có chút nghẹn ngào. Anh hỏi tôi còn nhớ câu chuyện chú Sáu Dân nhã ý bán trái đước giống của Cần Giờ cho Cà Mau trồng lại rừng ngập mặn Năm Căn không, tôi nói sao lại không, nhưng mà nhắc lại để làm gì. Nguyễn Bé không trả lời tôi mà nói vắn tắt rằng, Cà Mau vừa xuất ngân sách ra mấy chục triệu đồng để lên tỉnh Đồng Nai mua hai tấn cá rô giống về thả xuống các lâm trường ở rừng U Minh hạ.

- Chỉ nói cho mầy nghe vậy thôi, cúp máy nghen !

Trong câu nói sau cùng, tôi biết bạn tôi đang khóc. Một người yêu quê hương xứ sở, yêu ruộng đồng đến cuồng say, đến cực đoan như vậy thì không thể nào chịu đựng nổi khi thấy con cá rô lội ngược từ xứ Đồng Nai về để làm giống cho xứ U Minh.

Võ Ðắc Danh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm