1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cá nhân có thể vay vốn nước ngoài

Đó là một trong những nội dung của dự thảo Pháp lệnh Ngoại hối được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đưa ra lấy ý kiến ngày 23/5 tại TPHCM. Nhiều đại diện các ngân hàng thương mại nhận xét nội dung của dự thảo đã "mở ra" rất nhiều trong lĩnh vực quản lý ngoại hối.

Dự thảo bao gồm 11 chương và 49 điều, điều chỉnh các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, thị trường ngoại tệ và cơ chế tỷ giá hối đoái, quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước... Một trong những nội dung rất mới của dự thảo được các đại biểu thảo luận sôi nổi là "các cá nhân được vay vốn nước ngoài".

Lần đầu tiên, dự thảo Pháp lệnh quy định các cá nhân được đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Chính phủ. Theo Ban soạn thảo, quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; các giao dịch thương mại và đầu tư phải được thực hiện hai chiều.

Theo Ban soạn thảo, nhiều Việt kiều có nhu cầu đầu tư vốn kinh doanh tại Việt Nam hoặc muốn cho thân nhân vay, mượn vốn nhưng không đủ điều kiện để đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Nếu họ cho vay, ủy thác cho thân nhân ở Việt Nam thì pháp luật chưa quy định. Trên thực tế, có trường hợp vay nợ nước ngoài dưới hình thức kiều hối, từ đó xuất hiện chuyển tiền ra bất hợp pháp.

Chính vì vậy, cần có quy định về ngoại hối tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc chuyển tiền vào ra để khuyến khích và hợp thức hóa nguồn vay nợ nước ngoài, từ đó có thể quản lý được nguồn vốn này. Mặc dù có những ý kiến cho rằng quy định này có thể dẫn đến đầu cơ bất động sản hoặc đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực mà pháp luật hiện đang hạn chế, nhưng phần lớn ý kiến của các đại biểu đều đồng tình với quy định này.

Ông Hoàng Văn Toàn - Tổng giám đốc NH Thương mại cổ phần Nam Á - cho rằng quy định này rất cần thiết do trên thực tế, rất nhiều Việt kiều chuyển tiền về cho người thân vay để đầu tư. Cùng quan điểm trên, ông Hồ Diệu - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng - nhận định: "Nếu chúng ta cho phép các cá nhân vay vốn nước ngoài thì mỗi năm sẽ thu hút được thêm vài trăm triệu USD. Đừng vì sợ rửa tiền mà chúng ta khép lại vấn đề này".

Dự thảo Pháp lệnh Ngoại hối cũng đơn giản hóa các thủ tục về việc cá nhân mang, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo hướng sẽ chuyển việc cấp phép mang, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho các NH thương mại thay vì phải được NHNNVN cấp phép như hiện nay. Một vấn đề khá nhạy cảm được quy định thành cả một chương đó là quy định về sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

Cụ thể, vấn đề được Ban soạn thảo đặt ra là nên hay không nên quy định việc rút ngoại tệ từ tài khoản tiết kiệm, tài khoản tiền gửi, nhận kiều hối... phải thực hiện bằng tiền đồng thay vì chi trả bằng ngoại tệ như hiện nay? Theo một số đại biểu, quy định này chưa nên đưa vào Pháp lệnh. Ông Hồ Hữu Hạnh - Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TPHCM - phân tích: "Hiện nay lượng vốn ngoại tệ huy động của các NH trên địa bàn chiếm 40% tổng lượng vốn huy động. Nếu chi trả lượng ngoại tệ này bằng tiền đồng thì rất dễ gây sốc cho thị trường, do đó, chúng ta không nên vội".

Theo ông Phùng Khắc Kế, Phó thống đốc NHNNVN, dự thảo sẽ được hoàn tất và trình Chính phủ trong vòng 3 tuần nữa.

Theo Thanh niên