“Cá mập” thâu tóm Nguyễn Kim giàu nhất Thái Lan

(Dân trí) - Thương vụ mua 49% cổ phần tại chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim là bước đi tiếp theo mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của tập đoàn Central Group, thuộc sở hữu của gia tộc Chirathivat, giàu nhất Thái Lan, sau các trung tâm thương mại thương hiệu Robins.

Ngày 12/1, báo giới Thái Lan và Việt Nam đồng loạt loan tin hãng bán lẻ Power Buy của Thái Lan đã chính thức công bố mua thành công 49% cổ phần tại chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, một trong những thương hiệu bán lẻ lớn tại Việt Nam.

“Cá mập” thâu tóm Nguyễn Kim giàu nhất Thái Lan
CEO Tos Chirathivat của tập đoàn Central Group, đứng cạnh mô hình thiết kế Central Embassy tại Bangkok (Ảnh: Forbes)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Power By là ai và hãng này kỳ vọng gì ở cuộc “hôn nhân” với Nguyễn Kim? Theo thông tin chính thức trên trang web của hãng này, họ là một nhà bán lẻ thiết bị điện tử gia dụng hàng đầu Thái Lan, với hơn 80 trung tâm điện máy và trực thuộc Central Group.

Theo bảng xếp hạng “50 người giàu nhất Thái Lan” năm 2014 của tạp chí Forbes, gia tộc Chirathivat, những người sở hữu tập đoàn bán lẻ và khách sạn Central Group chính là quán quân, với khối tài sản ròng 12,7 tỷ USD, tính tới tháng 6/2014. Trong năm tài chính 2013, doanh thu của Central Group đạt tới 7 tỷ USD, và trong năm 2014 là trên 8 tỷ USD.

Những ai đã từng đặt chân tới xứ chùa vàng, hẳn sẽ không khỏi bị lôi cuốn bởi những cửa hàng thời trang xa xỉ mang tên Embassy, với những thương hiệu như Prada, Hermés, Christian Louboutin hay Audemars Piguet. Đó chính là một trong những mảng kinh doanh của Central Group, với 200 cửa hàng như vậy. Trong đó, trung tâm lớn nhất tại Bangkok được khai trương hồi năm ngoái là Central Embassy có quy mô 7 tầng, nằm trong tòa nhà cao 37 tầng, với chi phí đầu tư hơn 550 triệu USD.

Đứng đầu “đế chế” bán lẻ ấy là giám đốc điều hành (CEO) Tos Chirathivat, 51 tuổi, người đã sở hữu bằng MBA ngành tài chính tại đại học Columbia danh giá tại Mỹ, sau khi hoàn thành cử nhân kinh tế học tại đại học Wesleyan, bang Connecticut năm 1985.

Sau thời gian ngắn làm việc cho mảng ngân hàng đầu tư của Citi Bank, năm 1989 Tos về làm cho tập đoàn của gia đình từ những vị trí thấp nhất, trước khi ngồi vào ghế lãnh đạo chuỗi siêu thị Big C.

Trở thành CEO mảng bán lẻ của Central Group từ năm 2002, quản lý 500 cửa hàng với khoảng 22.000 nhân viên, đến năm 2014 Tos chính thức ngồi vào ghế chèo lái tập đoàn, vốn do ông nội của ông Tos, cụ Tiang Chirathivat, một doanh nhân có tiếng trong cộng đồng người Thái gốc Hoa sáng lập năm 1927.

Canh bạc Nguyễn Kim và bàn đạp “tấn công” Đông Nam Á

Bất chấp những khủng hoảng chính trị, xã hội trong nước những năm qua, Central Group vẫn tăng trưởng mạnh mẽ bằng cách đa dạng hóa nguồn thu, không chỉ tập trung vào các đô thị mà hiện diện cả tại các tỉnh, cũng như vươn ra nước ngoài.

Central Embassy có thiết kế nổi bật tại Bangkok (Ảnh: Internet)
Central Embassy có thiết kế nổi bật tại Bangkok (Ảnh: Internet)

Nắm bắt xu hướng giàu lên nhanh chóng của nông dân Thái, một phần nhờ các chính sách trợ giá của chính quyền cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, Central Group đã vươn tới các tỉnh lẻ vốn từng là những trung tâm lịch sử, đón đầu nhu cầu xài hàng hiệu của những “nhà giàu mới nổi” .

Đồng thời, từ năm 2010 trong lúc các lãnh đạo cấp cao trong tập đoàn, rất dè dặt với kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, ông Tos đã quyết định mở 3 trung tâm mua sắm tại Trung Quốc. Dù kết quả không như mong đợi, vị CEO vẫn khẳng định quyết tâm vươn ra ngoài biên giới, với trọng tâm là các nước đông dân, tăng trưởng nhanh tại Đông Nam Á, mà Việt Nam chính là trọng tâm.

Trong cuộc phỏng vấn với Forbes giữa năm ngoái, ông khẳng định thị trường bán lẻ Trung Quốc đã bão hòa và Việt Nam mới là thị trường hứa hẹn. “Chúng tôi rất kỳ vọng vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi dự định đầu tư khá nhiều vào đây”, ông Tos nói.

Và trong năm ngoái, Central đã mở một trung tâm tại Hà Nội hồi tháng 4 với thương hiệu Robins Department, trước khi khai trương một trung tâm khác tại TP.HCM 8 tháng sau đó trong Crescent Mall, quận 7. Đây chính là bước đi đầu tiên của tập đoàn này ra khỏi Thái Lan và Trung Quốc.

Sau Việt Nam, Central đang nhắm tới Indonesia, kế đó là Malaysia trong năm 2016 hoặc 2017. Còn Myanmar? “Chúng tôi đang cân nhắc”, vị CEO nói.

Không dừng lại trong khu vực, từ năm 2013, tập đoàn này đã mua lại một trung tâm thương mại tại Copenhagen, Đan Mạch. Trước đó, năm 2011, họ đã chi 370 triệu USD để mua lại tập đoàn bán lẻ Ý La Rinascente với 11 trung tâm thương mại.

Trong ánh mắt nhiều người, việc Tos trở thành lãnh đạo tập đoàn sau khi cha qua đời là chuyện đương nhiên, nhưng trên thực tế, ngày từ nhỏ doanh nhân này đã phải qua những rèn luyện. Bất cứ khi nào phát hiện một trung tâm mua sắm, hay siêu thị tiềm năng ông Samrit sẽ kéo Tos cùng các anh chị em đi khắp nơi, và bắt các con làm việc sau giờ học hoặc khi đi nghỉ.

Yuwadee Chirathivat, chị gái của Tos và là CEO của Department Store Group, thành viên tập đoàn Central cho biết “bán lẻ đã luôn là một phần trong tuổi thơ của chúng tôi, trong cả gia đình”. Còn bản thân Tos thì miêu tả về kỳ nghỉ trăng mật của mình: “Đó là quãng thời gian khi tôi đang xây dựng sự nghiệp và rất nhiều trung tâm thương mại. Tôi đi nghỉ 30 ngày nhưng phần lớn thời gian chúng tôi ở trong các trung tâm mua sắm”.

Thanh Tùng
Tổng hợp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”