1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Buôn lậu ngà voi, sừng tê giác

Thời gian qua, hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác, ngà voi từ nước ngoài về Việt Nam với số lượng rất lớn đã bị triệt phá.

Theo thống kê, trong những năm gần đây, các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam đã bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển, mua bán sừng tê giác, ngà voi trái phép, thu giữ hơn 100 kg sừng tê giác và hàng ngàn kg ngà voi.

Diễn biến phức tạp, nghiêm trọng

Cites (cơ quan đại diện Chính phủ thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp) cho biết từ năm 2003, nhiều người Việt Nam đã sang Nam Phi săn bắn tê giác lấy sừng, sau đó tìm cách vận chuyển về nước. Tính từ năm 2003 đến nay, đã có hơn 600 sừng tê giác được nhập khẩu từ Nam Phi về Việt Nam, sau đó phân phối cho các đầu nậu.
 
Tê giác đang có nguy cơ tuyệt chủng vì bị săn bắn trái phép
Tê giác đang có nguy cơ tuyệt chủng vì bị săn bắn trái phép

Theo Cites, nguyên nhân của sự gia tăng các hoạt động vận chuyển, mua bán sừng tê giác chủ yếu là do ở Việt Nam và một số nước châu Á quan niệm sừng tê giác có khả năng chữa bách bệnh. Trong đó, các thành phố lớn như TP HCM, Hải Phòng, Hà Nội thường trở thành địa điểm “nóng” về tệ nạn buôn bán sừng tê giác.

Theo bà Khương Thị Minh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát an ninh kinh tế - chức vụ, VKSND Tối cao - tình hình buôn lậu sừng tê giác, ngà voi từ nước ngoài về Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là nơi tiêu thụ và trung chuyển số lượng sừng tê giác, ngà voi thuộc loại lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
 
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2013, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt giữ, khởi tố 5 vụ vận chuyển, buôn bán sừng tê giác, ngà voi với số lượng lớn. Cụ thể, ngày 31-1, khi Bộ Công an phối hợp Đội Kiểm tra soi chiếu quốc nội - Trung tâm An ninh hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất kiểm tra 7 kiện hành lý ký gửi của 3 hành khách đi chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Hà Nội, phát hiện nhiều vòng đeo tay, đũa làm từ ngà voi với trọng lượng 95,2 kg. Tiếp đó, ngày 1-4, khi làm thủ tục nhập cảnh cho một hành khách tên Nguyễn Thế Mạnh Vinh, cơ quan chức năng cũng phát hiện 238 vòng đeo tay và 200 chiếc đũa được làm từ ngà voi.

Lợi nhuận nhiều nên làm liều

Ông Nguyễn Đức Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết tính từ giữa tháng 7-2012 đến đầu tháng 5-2013, cơ quan chức năng đã phát hiện 8 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác, ngà voi qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó có một số vụ vận chuyển từ Pháp hoặc các nước châu Phi. Hầu hết sừng tê giác, ngà voi được các đối tượng cắt thành khúc hoặc chế thành phẩm, sau đó giấu kín trong hộp nhựa, lư đồng để qua mặt cơ quan chức năng. Nhiều đối tượng còn gửi hàng trước, người thì đi một chuyến khác để dễ bề tẩu thoát nếu bị phát hiện. Ngoài ra, nhiều đối tượng còn gói sừng tê giác, ngà voi bằng giấy bạc, bọc ni lông để tránh máy soi phát hiện.
 
Ở Việt Nam và một số nước châu Á, sừng tê giác được cho là có khả năng chữa bách bệnh
Ở Việt Nam và một số nước châu Á, sừng tê giác được cho là có khả năng chữa bách bệnh

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, nguyên nhân các đối tượng buôn lậu sừng tê giác, ngà voi bất chấp pháp luật là do mặt hàng này đem lại lợi nhuận rất cao. Tại cuộc tọa đàm do Cites tổ chức ở TP HCM vào giữa tháng 9 vừa qua, nhà báo người Nam Phi Julian Rademeyer (tác giả cuốn sách nổi tiếng Killing for Profit, nói về thế giới ngầm săn trộm tê giác) cho biết thông thường, sau khi hạ gục tê giác, các thợ săn Việt Nam tại Nam Phi thuê người vận chuyển về nước. Không chỉ bỏ mối cho thị trường ở Việt Nam, các trùm buôn bán sừng tê giác còn vận chuyển sang các nước khác như Lào, Thái Lan. Thậm chí, có đối tượng còn thành lập công ty xuất nhập khẩu, buôn bán sừng tê giác với số lượng lớn. “Nhiều tội phạm ở các nước trên thế giới đã chọn Việt Nam là nước trung chuyển hoặc quá cảnh để đưa sừng tê giác và ngà voi qua các nước khác” - ông Julian Rademeyer nói.

Lạm dụng sừng tê giác có thể bị liệt dương

Theo GS-TS Nguyễn Lân Dũng, hiện có nhiều nghiên cứu nhưng chưa tìm ra được tác dụng chữa hay phòng ngừa bệnh ung thư của sừng tê giác. Trong khi đó, rất nhiều trường hợp dùng sừng tê giác để chữa ung thư nhưng vẫn tử vong nhanh chóng. Những lời đồn đại về sừng tê giác như chữa ung thư, giải rượu đều chỉ xuất hiện trong vòng 10 năm nay và chỉ có ở Việt Nam.

Theo lương y Trần Văn Quảng, sừng tê giác mang tính lạnh, nam giới thuộc nhiệt tính (tính nóng), khi uống rượu ngâm sừng tê giác, nóng lạnh xung khắc nhau nên có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, việc lạm dụng sừng tê giác cũng có thể gây mất năng lượng tự nhiên, dẫn đến liệt dương.

 
Theo Thành Đồng
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm