Buộc Tập đoàn Dầu khí nộp lại gần 11.000 tỉ đồng

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) sẽ phải nộp bổ sung ngân sách gần 11.000 tỉ đồng liên quan đến khoản “tiền lãi dầu khí nước chủ nhà” giai đoạn 2009-2011.

Ngoài số tiền lớn mà PVN có dấu hiệu “quên” nộp ngân sách khiến Bộ Tài chính đã phải hai lần ra văn bản yêu cầu nộp trên, PVN còn đang bị đề nghị phạt gần 500 tỉ đồng vì không nộp thuế.
 
Mới nộp lại 1.000 tỉ đồng

 

Mới nộp lại 1.000 tỉ đồng

 

Như đã từng thông tin, vào tháng 6/2011 Bộ Tài chính đã phải ra văn bản yêu cầu PVN rà soát, nộp ngân sách khoản tiền lãi dầu khí nước chủ nhà từ năm 2009-2011 lên đến trên 19.000 tỉ đồng mà theo Bộ Tài chính, PVN đáng ra phải nộp vào ngân sách nhưng tập đoàn này chưa nộp. Sau đó, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và phải có công văn lần thứ hai yêu cầu PVN nộp lại ngân sách, và tổng số tiền sau khi tiếp tục rà soát đã lên đến trên 21.000 tỉ đồng.

 

Trong trả lời Tuổi Trẻ, PVN khẳng định không “quên” và đã vận dụng đúng quy định tại nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh. Theo đó, sau khi làm việc với PVN và các bộ Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Công thương, Phó thủ tướng quyết định “khoản tiền lãi dầu khí chia cho nước chủ nhà từ liên doanh Vietsovpetro, các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí và tiền thu từ đọc tài liệu dầu khí chưa được ghi thu, ghi chi đến hết năm 2011, PVN sẽ phải nộp ngân sách 50%, 50% còn lại dùng để đầu tư các dự án dầu khí trọng điểm”.

 

Trao đổi với PV chiều 4/11, một lãnh đạo của Bộ Tài chính khẳng định với kết luận trên, PVN sẽ phải nộp trả lại cho ngân sách 50% số tiền 21.000 tỉ đồng mà Bộ Tài chính đã nêu. Thế nhưng vị lãnh đạo trên tiết lộ đến nay PVN mới chỉ nộp lại được khoảng 1.000 tỉ đồng. Số tiền gần 10.000 tỉ đồng còn lại, PVN sẽ phải nộp lại ngân sách từ nay đến cuối năm 2012 và đây là nguồn tiền rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách khó khăn năm nay.

 

Đáng lưu ý, theo vị lãnh đạo Bộ Tài chính trên, ngoài khoản 21.000 tỉ đồng, còn một khoản nữa PVN cũng đáng ra phải nộp ngân sách nhưng chưa nộp và Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu phải nộp trong cuộc họp kết luận vụ việc 21.000 tỉ đồng. Đây là khoản “lãi dầu khí chia cho nước chủ nhà từ hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí lô PM3 năm 2004”.

 

Số tiền liên quan, theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, khoảng trên 53 triệu USD và Phó thủ tướng đã yêu cầu rất nghiêm túc: ngay cả khi PVN đã hạch toán khoản tiền này vào vốn điều lệ thì PVN cũng phải hạch toán lấy khoản lãi dầu khí nước chủ nhà của năm 2012 để bù đắp. Kết quả, PVN đã nộp lại ngân sách ngay sau cuộc họp.

 

Không nộp thuế 500 tỉ đồng, bị phạt trên 495 tỉ đồng

 

Thật ra PVN từng được xếp hạng là doanh nghiệp lớn nhất VN năm 2011, nhưng theo bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất VN năm 2012 vừa được công bố, tập đoàn này đã tụt xuống vị trí thứ 5 từ vị trí thứ 4 của năm trước. Năm 2012, PVN xếp dưới cả Viettel, Ngân hàng Công thương, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN...

 

Tuy nhiên, với các quyết định về yêu cầu nộp bổ sung và phạt thuế mới đây, nhiều khả năng PVN sẽ... phải “thăng hạng” bởi ngoài hai công văn yêu cầu nộp bổ sung 21.000 tỉ đồng của Bộ Tài chính năm 2011, PVN còn liên quan đến nhiều vấn đề về thuế, tài chính khác, trong đó có khoản phạt thuế lên tới gần 500 tỉ đồng.

 

Cụ thể, Cục Thuế TP.HCM vừa ra quyết định về việc xử lý và xử phạt vi phạm hành chính về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với PVN. Trong đó số tiền phải nộp thêm và tiền phạt lên đến gần 1.000 tỉ đồng. Theo Cục Thuế TP.HCM, sau khi rà soát sản phẩm condensate (khí đồng hành hóa lỏng, có thể pha trộn, chưng cất để thành xăng) được khai thác trong nước từ lô 11.2 mà PVN vẫn bán cho các doanh nghiệp nội địa để pha chế xăng trong giai đoạn từ năm 2007 đến tháng 3-2012, cục đã phát hiện số tiền thuế TTĐB PVN chưa nộp lên tới hơn 503,8 tỉ đồng.

 

Với hành vi trên, Cục Thuế TP.HCM yêu cầu PVN nộp khoản thuế trên và đã ra quyết định xử phạt PVN số tiền 495,215 tỉ đồng.

 

Cũng giống khi bị Bộ Tài chính truy số tiền “quên” chưa nộp 21.000 tỉ đồng, lần này PVN tiếp tục có văn bản kiến nghị xem xét lại. Cụ thể, trong công văn của tập đoàn gửi Bộ Tài chính, PVN tiếp tục cho rằng mình không sai phạm và đề nghị không phải nộp số tiền thuế trên 503 tỉ và khoản tiền phạt gần 500 tỉ đồng mà Cục Thuế TP.HCM nêu.

 

Theo PVN, condensate nhẹ (thường gọi là condensate trắng) có thể pha trộn để có xăng thành phẩm, trong khi condensate nặng (condensate đen) là một loại dầu nhẹ không thể trực tiếp pha chế xăng mà phải qua chưng cất mới thu được xăng. PVN cho rằng đối tượng chịu thuế TTĐB theo quy định hiện nay chỉ là condensate sử dụng để pha chế xăng (condensate nhẹ). Còn condensate đen không thể trực tiếp pha chế xăng mà phải qua chưng cất, nên không thể là đối tượng chịu thuế.

 

Trong khi đó, hiện mới có condensate từ mỏ Bạch Hổ là có thể pha chế xăng trực tiếp, còn condensate từ khu vực Nam Côn Sơn phải qua chưng cất mới có thể sử dụng. Do vậy, yêu cầu nộp thuế TTĐB với condensate lô 11.2 của Cục Thuế TP.HCM là chưa phù hợp và PVN đề nghị Bộ Tài chính cần hủy bỏ quyết định truy thu, phạt thuế trên.

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ về công văn trên của PVN, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã nhận được văn bản và đang xử lý. Theo lãnh đạo trên, việc Cục Thuế TP.HCM ra quyết định phạt là đúng thẩm quyền, đúng quy trình. Tuy nhiên, sẽ phải xem xét cụ thể tính hợp lý và rà soát thêm các quy định. Song nhận định ban đầu, quyết định của Cục Thuế TP.HCM không thể sai hoàn toàn và nhiều khả năng PVN vẫn phải nộp phạt. Mức phạt cụ thể sẽ được công bố sau khi đã xem xét đầy đủ các quy định của Nhà nước.

 

Theo ông Nguyễn Thiệu - nguyên thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng, dầu khí có chế độ tài chính rất đặc biệt, rất phức tạp, vì vậy cơ chế phải rành mạch, có chế độ giám sát “chứ doanh số rất lớn, rất có thể có khoản Chính phủ không cập nhật kịp, không loại trừ khả năng có người muốn tận dụng một thời gian”. Ông Thiệu cho rằng riêng ngành dầu khí cần vận dụng hết kinh nghiệm trong nước và quốc tế để “quản”, với kỷ luật ngân sách chặt chẽ, để doanh nghiệp có thể phát triển đồng thời ngân sách cũng không bị thiệt trong bối cảnh khó khăn này.

 

Theo Cẩm Văn Kình – Nam Hương

Tuổi trẻ