Bùng nổ thị trường tivi LCD
Theo các chuyên gia ngành điện tử, vào năm 2006 sản phẩm tivi LCD sẽ bùng nổ về giảm giá, tăng số lượng bán. Vì vào thời điểm đó, thuế suất tivi LCD nhập khẩu nguyên chiếc sẽ còn 0%-5%. Trong khi thuế suất hiện nay khoảng 20%.
Cách đây vài tháng, khi trên thị trường VN tivi LCD loại 32 inch có giá khoảng 70 triệu đồng/cái, tập đoàn Ben Q thông qua Công ty Châu Electronics đưa tivi LCD vào VN với giá bán cực thấp đã gây chấn động trên thị trường. Lúc đó, giá bán lẻ tivi LCD Ben Q loại 32 inch chỉ 32 triệu đồng. Ông Bùi Thành Châu, giám đốc Châu Electronics, cho biết nhờ giá thấp, chất lượng cao, đợt hàng nhập đầu tiên không đủ bán.
Kéo theo hàng loạt tivi LCD khác phải giảm giá. Ngay cả "đại gia" Sony hiện nay cũng phải bán lẻ loại tivi 32 inch dưới 40 triệu đồng/cái.
Hiện giá tivi LCD ở VN vẫn còn cao hơn nhiều so với nước ngoài. Mức trung bình, loại 32 inch giá chào bán ở nước ngoài chỉ khoảng trên dưới 1.000 USD/cái. Năm 2005, cả nước chỉ tiêu thụ khoảng gần 2.000 tivi LCD. Trong khi đó, theo dự báo của các DN điện tử năm 2006, con số này sẽ tăng lên 30.000-40.000 cái.
Giám đốc một DN chiết tính, một DN sản xuất bóng đèn hình tivi mỗi tháng tiêu thụ khoảng 5.000 cái thì cả năm chỉ lãi khoảng vài trăm triệu đồng. Trong khi chỉ cần mỗi năm tiêu thụ được 100 - 200 tivi LCD cũng lãi được vài trăm triệu đồng. Vì vậy, hiện nay phần lớn DN điện tử đều tìm cách nhập hoặc lắp ráp sản phẩm thời thượng này để tiêu thụ tại VN.
Vừa rồi, tin một liên doanh điện tử P. đã có giấy phép nhập khẩu hàng điện tử nguyên chiếc đã gây sửng sốt cho cả ngành điện tử. Để có được giấy phép này, liên doanh P. đã phải dùng "chiêu" bỏ vốn thành lập một công ty cổ phần khác có chức năng nhập khẩu hàng điện tử. Vì theo các quy định hiện hành, các liên doanh muốn nhập hàng điện tử nguyên chiếc phải xin phép từng lô hàng, rất mất thời gian và chi phí.
Hay như liên doanh S., phải ký hợp đồng với một công ty cổ phần 100% vốn VN để nhập hàng điện tử nguyên chiếc. Lợi nhuận từ việc nhập khẩu này, DN cổ phần VN phải lo xây dựng mạng lưới cửa hàng mang thương hiệu của liên doanh S.
Qua phản ánh của các DN trong ngành điện tử, phần lớn các DN liên doanh hiện đang gấp rút xin giấy phép nhập khẩu hàng điện tử nguyên chiếc. Bởi vào 2006, lợi nhuận từ sản xuất hàng điện tử sẽ không bằng nhập hàng nguyên chiếc về bán lại. Thời điểm này đã được nhiều liên doanh dự đoán trước đây cả chục năm.
JVC VN sẽ hết hạn liên doanh với VTB vào năm 2006. Nếu không có gì thay đổi, liên doanh Sony VN cũng sẽ ngưng hoạt động vào 2007. Liên doanh không tồn tại nhưng chắc chắn là 2 đại gia JVC và Sony sẽ không bỏ thị trường VN mà họ đã bỏ ra quá nhiều công sức để xây dựng. Mới đây Sony cũng đã tập trung nhiều cho việc xây dựng hệ thống cửa hàng chuyên bán hàng Sony.
Theo Người lao động