Bữa sáng tưởng không đắt mà đắt không tưởng của hội chị em "nghiện ăn sạch"
(Dân trí) - Eat clean (ăn sạch) trở thành xu hướng. Hội chị em cho biết khi theo đuổi chế độ ăn uống khoa học với những món ăn vừa ngon vừa đẹp mắt, họ phải chi ra cả trăm nghìn đồng cho mỗi bữa ăn.
"Nghiện" ăn sạch
Nguyễn Bình (34 tuổi, Ninh Bình) thừa nhận bản thân là "con nghiện" eat clean (ăn sạch). 3 năm trở lại đây, 100% bữa sáng của Bình đều là sữa chua Hy Lạp, ngũ cốc và một loại hoa quả bất kỳ theo mùa, thường là bơ, chuối, táo, dâu tây, kiwi hoặc việt quất. Khi cần bổ sung đạm, cô lựa chọn ăn tôm biển, cá hồi.
Nhẩm tính, Bình cho biết mỗi bữa sáng của cô dao động từ 40.000 đồng đến 70.000 đồng, tùy thuộc vào loại hoa quả. Ngoài ra, sữa chua Hy Lạp có giá bán cũng tương đối cao so với sữa chua thường. Nếu sữa chua thường giá khoảng 10.000 đồng/hũ thì giá sữa chua Hy Lạp khoảng 25.000 đồng đến 40.000 đồng/hũ.
"Ăn thế này đắt hơn hẳn ăn bún, ăn phở. Bát phở có 30.000 đồng thôi nhưng ăn xong thấy nặng nề, không thoải mái", chị Bình nói.
Giống với chị Bình, những năm gần đây, hội chị em theo "trường phái" eat clean ngày càng đông. Trên một nhóm ăn sạch với số lượng thành viên là 237.000, mỗi ngày, có rất nhiều bài đăng bàn về câu chuyện ăn sạch, ăn đúng, ăn đảm bảo.
Những sai lầm khi eat clean
Lan Hương - thành viên tích cực trong nhóm - cho biết cô đã ăn eat clean được gần 3 năm nay. Ban đầu, Hương bắt đầu ăn sạch từ bữa sáng.
Thay vì ăn các loại tinh bột nặng, cô chuyển sang ăn hoa quả, uống sữa hạt. Dần dần, nhận ra sự thay đổi tích cực của việc ăn sạch, Hương bắt đầu chuyển dần sang bữa trưa, bữa tối. Mỗi ngày, Hương đều tính toán chi tiết số lượng calories nạp vào và thải ra ngoài cơ thể, đảm bảo cân bằng năng lượng để giữ vóc dáng.
Nói về chi phí khi theo đuổi ăn sạch, Lan Hương cho biết khi sống ở thành phố lớn, việc ăn sạch, uống sạch, nghe tưởng dễ mà thật ra không dễ chút nào.
Ở các thành phố lớn, khi lượng hàng hóa đổ về mỗi ngày rất nhiều, người tiêu dùng thường hoang mang không biết đâu là địa chỉ mua hàng tin cậy. Do vậy, nhiều người thường chọn mua đồ ăn tại các siêu thị lớn để đảm bảo an toàn vệ sinh. Tất nhiên, việc mua hàng tại những cơ sở này sẽ có giá bán cao hơn so với mua hàng ở chợ.
Chưa kể, khi xu hướng eat clean ngày càng phát triển, nhiều người đặt ra tiêu chuẩn bên cạnh ăn sạch, cần ăn vừa ngon, vừa sạch, vừa đẹp mắt. Mọi người bắt đầu tìm hiểu đến các món ngũ cốc, sữa chua, trái cây nhập ngoại. Những món thực phẩm này có giá bán cao gấp nhiều lần so với sữa chua hay trái cây trong nước. Từ đó, chi phí cho mỗi bữa ăn ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, theo chị Hương, ăn sạch không cần thiết phải là ăn các món đắt tiền, ăn theo người nước ngoài hay bày vẽ như những gì mọi người tưởng tượng. Ăn sạch ở đây đầu tiên là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc đảm bảo, được sản xuất, trồng đúng quy trình và không sử dụng các chất hóa học gây hại cho sức khỏe.
Tiếp theo đó, chị Hương cho biết ăn sạch còn nằm ở công đoạn sơ chế, chế biến. Nếu là món ăn tươi, hãy rửa kỹ, ngâm nước muối sạch. Với các món cần đun nấu, chị Hương ưu tiên ăn đồ luộc, thay vì chiên, xào.
Ngoài ra, hãy cân bằng chế độ ăn bằng việc ăn nhiều trái cây, uống đủ nước, hạn chế đồ ngọt, đồ ăn nhanh, nước uống có gas.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn mua hàng ở các cơ sở uy tín là rất quan trọng. Vì xu hướng eat clean phát triển mạnh mẽ, số người kinh doanh các mặt hàng phục vụ việc eat clean ngày càng nhiều nhưng không phải địa chỉ nào cũng đáng tin cậy.
Với sữa chua Hy Lạp có giá bán tương đối cao, chị Hương cho biết người mua cần tìm hiểu kỹ để mua được hàng chất lượng. Ngoài ra, nếu có thể, hãy tự làm sữa chua Hy Lạp để đảm bảo chất dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe.
Nếu tự làm sữa chua Hy Lạp, người dùng sẽ tiết kiệm được kha khá chi phí. Thông thường, chi phí nguyên vật liệu làm sữa chua Hy Lạp dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng đối với mỗi hũ sữa chua 180gram, theo chị Hương.
"Ăn sạch là để tốt cho sức khỏe, tinh thần. Nếu ăn sạch mà áp lực thì không nên", chị Hương khẳng định.
Eat clean nên xuất phát từ điều kiện sống của bản thân
Phương Lê - huấn luyện viên cá nhân ở Hà Nội - cho biết mỗi ngày, cô tiếp xúc với ít nhất 5 khách hàng là những người đam mê thể thao, ăn uống lành mạnh. Những người này có chung mục tiêu giữ gìn vóc dáng, mong muốn khỏe mạnh, trẻ lâu và không gặp nhiều áp lực về kinh tế.
Tuy nhiên, theo Lê, trong số những người ăn sạch vì lợi ích đối với sức khỏe, có một bộ phận không nhỏ những người ăn sạch theo xu hướng, ăn sạch vì "nghe bạn bảo thế" và ăn sạch để thỏa mãn đam mê chụp hình "sống ảo".
Với những người này, Lê thường đưa ra lời khuyên hãy ăn uống phù hợp với nhu cầu của bản thân và tình hình tài chính cá nhân. Không nên chạy theo xu hướng mà ảnh hưởng đến cuộc sống và gây áp lực cho chính mình.
Sau khi sinh em bé, Dung Nguyễn (27 tuổi, Hà Nội) quyết định nghỉ làm giáo viên mầm non để chuyển sang kinh doanh sữa chua Hy Lạp. Bởi, trong khi bầu và sau sinh, cô tìm hiểu và bắt đầu con đường eat clean (ăn sạch) rồi "nghiện" từ lúc nào không hay. Sau thời gian "lần mò" trong các hội nhóm eat clean, Dung Nguyễn chính thức dùng hết số vốn đang có để mở cửa hàng sữa chua Hy Lạp tại nhà.
Cô cho biết có những ngày, doanh thu cửa hàng lên đến 50 triệu đồng từ việc bán buôn, bán lẻ. Ngoài chi phí cho nguyên vật liệu làm sữa chua, tiền thuê nhân viên, cô không mất thêm các chi phí như quảng cáo hay thuê mặt bằng. Hầu hết các đơn hàng của Dung Nguyễn đều phát sinh từ các hội nhóm miễn phí trên Facebook.
Sau gần 2 năm bán sữa chua Hy Lạp, Dung nhập thêm các mặt hàng như ngũ cốc, hạt điều sấy khô. Hiện tại, giá bán các sản phẩm này tại các cửa hàng chênh lệch nhau khá nhiều. Với mặt hàng hạt ngũ cốc dinh dưỡng (hạt điều, hạt macca, óc chó, hạnh nhân, yến mạch) có giá bán dao động từ 100.000 đồng/hộp 500gram tới 250.000 đồng/hộp 500gram.
Dung Nguyễn cho hay các loại hạt sấy khô thường có hạn sử dụng tương đối lâu và dễ bảo quản. Do vậy, người mua khó phân biệt hàng chất lượng hoặc hàng kém chất lượng. Với sản phẩm này, người mua nên mua sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, cơ sở kinh doanh, hạn sử dụng trên vỏ hộp, thay vì mua các loại không có thông tin.
Theo Mayo Clinic (trung tâm Y tế học thuật tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ), eat clean là chế độ tiêu thụ các loại thực phẩm càng gần với trạng thái tự nhiên của chúng càng tốt. Ví dụ như việc bạn chỉ ăn sống hoặc chỉ hấp, luộc rau củ thay vì chiên xào chúng nhằm hạn chế tiêu thụ các chất béo có hại cũng như giữ trọn vẹn dưỡng chất có trong rau củ.
Trung tâm này đưa ra lời khuyên hãy tìm hiểu thông tin chính xác về eat clean. Ăn sạch với tâm thế thoải mái, vui vẻ, thay vì chạy theo số đông và gây áp lực cho chính mình.