Vấn đề kinh tế nổi bật trong tuần:
BOT dậy sóng nghị trường; Tiền ảo Bitcoin tăng giá "điên loạn"
(Dân trí) - Trong tuần, các thông tin về BOT tiếp tục nóng dư luận sau khi chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) thu phí trở lại. Giọt nước làm tràn ly khiến Thủ tướng phải yêu cầu tạm dừng thu phí. Một tâm điểm khác là giá tiền ảo Bitcoin có thời điểm gần chạm 20.000 USD. Sự tăng giá "điên loạn" đã gây sốc cho giới tài chính trên toàn cầu...
Dưới đây là những vấn đề kinh tế "nóng" nhất tuần qua được ban đọc Dân trí quan tâm nhất:
Tăng giá "điên loạn" đầy cạm bẫy của Bitcoin
Trong 2 tuần trở lại đây, tiền ảo Bitcoin đã có chu kỳ tăng giá khá nhanh, từ mốc 11.000 USD đến thứ 6 đồng tiền này đã tăng giá hơn 15.000 USD, rồi chỉ trong vài giờ đã lên đến 17.000 USD, thậm chí có thời điểm giá gần chạm ngưỡng 20.000 USD.
Sự tăng giá không thể lý giải nổi đã gây choáng váng cho giới đầu tư, người đào bitcoin và đặc biệt không một chuyên gia tài chính nào có thể dự đoán được chu kỳ tăng giá của nó ngoài sự chủ động đẩy giá của thị trường nằm trong tay một số người chơi lớn.
Bitcoin, đồng tiền ảo được mã hoá dữ liệu, ẩn danh hiện được coi là nơi cất trữ tài sản lớn của tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế. Đồng tiền này hiện có thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và 1 số nước châu Âu.
Từ đầu năm đến nay, chu kỳ tăng giá của Bitcoin đã khiến loại đồng tiền này tăng giá hơn 10 lần giá trị thực của nó. Loại tiền này hiện đã được giao dịch ngầm, thanh toán trao đổi giá trị tương đương trên nền tảng internet để đổi lấy hàng hoá, tiền tệ hoặc bất cứ thứ gì khác.
Kiểm toán Nhà nước thanh tra hàng loạt dự án BOT mới
Tiếp sau các diễn biến nóng của nhiều trạm BOT từ Cai Lậy (Tiền Giang) đến BOT tại Ninh An - Khánh Hoà... Kiểm toán Nhà nước đã quyết định công bố kế hoạch thanh tra BOT trong năm 2018, trong đó nhiều dự án lớn, nổi cộm được đưa vào tầm ngắm.
Đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT….
Ngoài ra còn có các dự án như xây dựng Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT. Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức BOT. Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh theo hình thức BOT.
Thép Trung Quốc đội lốt thép Việt, Bộ Công Thương nói do phía Mỹ
Phản ứng trước quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tôn mạ và thép cán nguội Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Bộ Công Thương Việt Nam cho rằng: Điểm mấu chốt trong sự việc lần này là Hoa Kỳ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi không coi quá trình chuyển đổi mô tả ở trên là quá trình "chuyển đổi đáng kể" nữa.
"Việt Nam và nhiều nước khác đã thể hiện sự quan ngại rất lớn trước sự thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ”, Bộ Công Thương cho hay.
Trước đó, ngày 5/12/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Bộ Thương mại Hoa Kỳ sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Quy trình nhập "lông heo", Hải quan cũng phải hỏi
Một doanh nghiệp tại TP.HCM xin khai báo nhập khẩu mặt hàng "lông heo" từ nước ngoài và đề nghị được coi là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Tuy nhiên, do vướng mắc và không biết xử lý trường hợp đặc biệt này như nào nên hải quan TP.HCM vừa có báo cáo xin chỉ đạo từ Tổng cục Hải quan.
Trước đó, Cục Hải quan TP.HCM cũng phải hỏi Tổng cục Hải quan về cơ chế thuế và quy định nhập khẩu xe nhà di động. Theo đó các loại xe nhà lưu động được gắn trên romooc có bốn bánh, không có động cơ, nhà xe có thể di chuyển được và chạy trên đường giao thông nhờ kết nối vào các loại xe ô tô khác nhau.
Chính phủ quyết cổ phần hoá, bán nhiều doanh nghiệp lớn
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký các quyết định phê duyệt bán cổ phần và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 3 doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí.
Đó là cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cổ phần hoá, bán một phần vốn Nhà nước tại Công ty mẹ - Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Hiện đây là 3 công ty lớn trong ngành dầu khí mà PVN hiện đang nắm vốn rất lớn, trong các phương án cổ phần hoá đều đưa ra quy định khắt khe đối với nhà đầu tư chiến lược, quỹ đất đai, bán tài sản của người lao động, bán công khai mức giá để giám sát. Được biết, nếu cổ phần hoá thành công, PVN có thể thu về cho Nhà nước số tiền không nhỏ bởi đây đều là các DN làm ăn tốt, có lãi.
Bác khiếu nại thu 67 tỷ đồng của Uber
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN liên quan đến chính sách và quản lý thuế của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam.
Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết trong quá trình thanh tra thuế Công ty TNHH Uber Việt Nam, Cục Thuế TPHCM đã xác định Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan có thu nhập phát sinh tại Việt Nam, thông qua việc điều hành cung cấp dịch vụ vận chuyển khách hàng thông qua các đối tác lái xe nên có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu theo quy định.
Trước đó Cục Thuế TPHCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền hơn 66,68 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan).
An Linh