Bong bóng công nghệ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ
(Dân trí) - Hoạt động kinh doanh do Thung lũng Silicon dẫn đầu được kì vọng là động lực cho sự đổi mới và thịnh vượng của nước Mỹ trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành công nghiệp VC (đầu tư mạo hiểm) và các công ty khởi nghiệp công nghệ lại đang sử dụng một cách lãng phí tiền bạc và nguồn nhân lực mà các lĩnh vực khác cần để phát triển.
Một vài công ty khởi nghiệp tại Mỹ thành công vì họ cung cấp cho khách hàng một dịch vụ hoàn toàn mới, ví dụ như Facebook hay Airbnb. Một số công ty khác thì thành công nhờ cải tiến và cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn so với các đối thủ cạnh tranh, ví dụ như Netflix.
Tuy nhiên, hầu hết các công ty khởi nghiệp công nghệ hiện nay chỉ phát triển mạnh vì khoản tiến đầu tư của Thung lũng Silicon cho phép họ triệt tiêu đối thủ cạnh tranh. Điển hình như Uber. Lượng vốn đầu tư khổng lồ vào công ty này cho phép Uber tính phí người dùng thấp hơn chi phí. Việc giảm giá này bề ngoài mang lại lợi ích cho khách hàng nhưng lại gây áp lực lên các doanh nghiệp địa phương và buộc người lao động phải chấp nhận những công việc lương thấp hơn và rủi ro cao hơn.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Tại sao các VC (quỹ đầu tư mạo hiểm) lại đầu tư rất nhiều vào các công ty khởi nghiệp không có lợi thế cạnh tranh bền vững? Bởi vì họ có thể lãi lớn khi các công ty bong bóng này phát hành cổ phần ra công chúng (IPO).
Thông qua IPO, các quỹ đầu tư mạo hiểm bán tháo những cổ phiếu được định giá cao hơn giá trị thực tế cho công chúng. Một vài quý sau, khi công ty không thể duy trì đà tăng trưởng như trước đó, giá cổ phiếu sẽ quay trở lại với giá trị thực tế, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ chịu lỗ.
Tuy nhiên, những bong bóng như vậy cũng không phải hoàn toàn xấu. Trong suốt lịch sử, những bong bóng tương tự cũng đã để lại nhiều đổi mới: như cách mạng hóa mạng lưới đường sắt Mỹ, mạng cáp quang. Những bong bóng công nghệ mới cũng có thể mang đến nhiều công nghệ đột phá.
Vũ Thanh (tổng hợp)