1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bội chi dự kiến 204 nghìn tỷ đồng, ngân sách trông chờ ở đất và dầu thô

(Dân trí) - Số thu vượt dự toán ngân sách năm 2018 chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô trong khi thu từ đất không ổn định, thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế (73,5 USD/50 USD/thùng) và sản lượng ước tăng 450 nghìn tấn.

Năm 2018, dự kiến bội chi ngân sách sẽ ở con số 204 nghìn tỷ đồng.
Năm 2018, dự kiến bội chi ngân sách sẽ ở con số 204 nghìn tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi tới đại biểu Quốc họp về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

Về cân đối ngân sách Nhà nước, báo cáo cho biết, Chính phủ dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước năm 2018 là 204 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,67% GDP ước thực hiện, tương ứng với tỷ lệ bội chi kế hoạch Quốc hội đã quyết định 204 nghìn tỷ đồng (3,7% GDP).

Theo Kiểm toán Nhà nước, bội chi ngân sách Nhà nước có thể giảm nếu Chính phủ rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2018 phù hợp với khả năng giải ngân đạt 88,2% dự toán (vốn ngoài nước chỉ đạt 78% dự toán).

Theo dự kiến kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018 của Chính phủ, thu cân đối ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt khoảng 1.358,4 nghìn tỷ đồng, vượt 39,2 nghìn tỷ đồng (tăng 3% so với dự toán) và tăng 5,5% so với thực hiện năm 2017.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy, thu cân đối ngân sách Nhà nước cả năm Chính phủ tăng thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong các năm gần đây (quyết toán năm 2014, năm 2015 đều tăng 9,6% so với dự toán; năm 2016 tăng 9,2% so với dự toán; năm 2017 tăng 6,2% so với dự toán).

Số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô, trong đó nhà, đất tăng 35,9% (38.705 tỷ đồng), dầu thô tăng 53,2% (19.100 tỷ đồng), trong khi thu từ đất không ổn định, thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế (73,5USD/50USD/thùng) và sản lượng ước tăng 450 nghìn tấn.

Nguồn thu từ 3 khu vực không đạt dự toán bao gồm: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,9% (4.908 tỷ đồng); thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, (33.646 tỷ đồng); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% (4.855 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, qua số liệu báo cáo đánh giá thực hiện dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn của các địa phương gửi Kiểm toán Nhà nước cho thấy, có 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu trên địa bàn (đáng chú ý có TP HCM, TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc ước hụt thu 2 năm liên tiếp, năm 2017 đạt 80,5% và năm 2018 đạt 88,8% dự toán giao).

Qua kiểm toán cho thấy, tình trạng phổ biến kê khai thuế không đầy đủ; nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước còn chưa nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước 516 tỷ đồng; việc quản lý phần thu từ tiền sử dụng đất, nhất là giao đất thực hiện dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không qua đấu giá nên việc xác định do các địa phương lựa chọn tùy tiện dẫn đến nhiều bất cập, hạn chế và làm thất thoát NSNN, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi 3.856 tỷ đồng.

Về chi ngân sách ước thực hiện cả năm 1.562,4 nghìn tỷ đồng, tăng 39,2 nghìn tỷ đồng (2,6%) so với dự toán. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, chất lượng công tác lập dự toán năm 2018 còn hạn chế, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển chậm, phân bổ kế hoạch vốn không bảo đảm thứ tự ưu tiên; chưa đủ điều kiện theo quy định, đặc biệt phân bổ vốn cho 01 dự án 500 tỷ đồng khi chưa có quyết định đầu tư; không đúng đối tượng dự án hỗ trợ cho 1 dự án 27 tỷ đồng, phân bổ vượt mức hỗ trợ cho 01 dự án 40 tỷ đồng. Một số địa phương còn phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án không nằm trong kế hoạch đầu tư công.

Phương Dung

Bội chi dự kiến 204 nghìn tỷ đồng, ngân sách trông chờ ở đất và dầu thô - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm