(Dân trí) - Là sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, lĩnh vực sản xuất, nơi cung cấp 1/3 lượng hàng hóa toàn cầu, đang thiếu trầm trọng lao động trẻ. Ngày càng nhiều người trẻ nước này từ chối đi làm công nhân.
Giới trẻ Trung Quốc không muốn làm công nhân
Lớn lên tại một ngôi làng ở Trung Quốc, Julian Zhu mỗi năm chỉ được gặp cha mình vài lần khi ông trở về nhà vào những dịp nghỉ lễ sau thời gian làm việc mệt nhọc ở một nhà máy dệt ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Đối với thế hệ như cha anh, làm việc trong nhà máy được coi là cơ hội để thoát khỏi cuộc sống nghèo khó ở nông thôn. Nhưng đối với Zhu cũng như hàng triệu thanh niên Trung Quốc khác hiện nay thì không như vậy. Lương thấp, làm việc nhiều giờ trong vất vả cực nhọc, thậm chí cả nguy cơ bị thương trong khi làm việc khiến trở thành công nhân trong các nhà máy không còn thu hút được họ.
"Sau một thời gian, công việc đó sẽ khiến đầu óc bạn rối loạn. Tôi không thể chịu nổi một công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy", người đàn ông 32 tuổi từng là một công nhân cho biết. Cách đây vài năm anh đã rời bỏ dây chuyền sản xuất để kiếm sống bằng nghề bán sữa và làm nhân viên giao hàng cho một siêu thị ở Thâm Quyến.
Thiếu trầm trọng lao động ở khu vực sản xuất
Việc Zhu và những người trẻ trong độ tuổi 20-30 ở Trung Quốc từ chối làm việc tại các nhà máy đang góp phần làm trầm trọng tình trạng thiếu lao động ở các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, nơi sản xuất 1/3 lượng hàng hóa tiêu dùng trên toàn cầu.
Các ông chủ nhà máy cho rằng, với lực lượng lao động trẻ hơn, họ sẽ sản xuất nhiều hơn và nhanh hơn. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa họ phải đưa ra mức lương cao hơn và đáp ứng các điều kiện công việc tốt hơn. Điều này có nguy cơ làm giảm lợi thế cạnh tranh của các nhà sản xuất ở Trung Quốc.
Trong khi đó, các nhà sản xuất nhỏ hơn cho biết việc đầu tư lớn vào công nghệ sản xuất tự động là không khả thi và cũng rủi ro vì khi lạm phát và chi phí lãi vay tăng, nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc sẽ bị hạn chế.
Theo khảo sát của CIIC Consulting, hơn 80% nhà sản xuất ở Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động từ hàng trăm đến hàng nghìn công nhân mỗi năm, tương đương từ 10% đến 30% lực lượng lao động của họ.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng dự báo đến năm 2025, nước này sẽ thiếu hụt gần 30 triệu công nhân, lớn hơn cả dân số Australia.
Tuy nhiên, trên các báo cáo, nguồn cung lao động vẫn không thiếu, chỉ khoảng 18% thanh niên trong độ tuổi 16-24 thất nghiệp. Chỉ riêng trong năm nay một đội quân gồm 10,8 triệu sinh viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường việc làm, nhưng lĩnh vực sản xuất vẫn rất ảm đạm. Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với mức tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ.
Klaus Zenkel, người giữ chức chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu ở phía nam Trung Quốc, cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây đã nâng cao khát vọng của thế hệ trẻ hơn. Việc tuyển dụng người trẻ vào làm công nhân rất khó. "Nhiều ứng viên nhìn lướt qua và nói, cảm ơn, công việc đó không phù hợp với tôi", ông kể khi tìm cách tuyển dụng công nhân trẻ cho một nhà máy ở Thâm Quyến.
Tự động hóa hơn?
Các nhà sản xuất cho rằng, có 3 cách để giải quyết tình trạng không phù hợp của thị trường lao động hiện nay. Đó là các nhà sản xuất phải hy sinh biên lợi nhuận để tăng lương; đầu tư nhiều hơn vào tự động hóa; hoặc chuyển sang các nơi có chi phí nhân công rẻ hơn như Việt Nam hay Ấn Độ.
Nhưng tất cả những lựa chọn đó đều không hề dễ dàng.
Ông Liu, người điều hành một nhà máy trong chuỗi cung ứng pin điện, đã đầu tư vào thiết bị sản xuất tiên tiến hơn với các thiết bị kỹ thuật số hiện đại hơn. Nhưng những công nhân lớn tuổi của ông lại rất chật vật để vận hành được các thiết bị hiện đại hơn này.
Ông cho biết, ông cũng đã cố gắng thu hút công nhân trẻ bằng cách tăng 5% lương nhưng vẫn bị từ chối.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc từng nhấn mạnh, tự động hóa và nâng cấp công nghiệp là một giải pháp cho lực lượng lao động già hóa. Theo Liên đoàn robot quốc tế, quốc gia 1,4 tỷ dân này chiếm một nửa số lượng robot được lắp đặt vào năm 2021, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng tự động hóa cũng có những giới hạn của nó.
Bà Dotty - Tổng giám đốc tại một nhà máy xử lý thép không gỉ ở thành phố Phật Sơn - cho biết nhà máy của bà đã tự động hóa trong khâu đóng gói và làm sạch bề mặt, nhưng quá tốn kém. Ngoài ra, quy trình sản xuất này cũng rất cần đến lực lượng lao động trẻ.
"Sản phẩm của chúng tôi rất nặng và chúng tôi cần người chuyển chúng từ quy trình xử lý này sang quy trình xử lý tiếp theo. Mà môi trường làm việc ở đây rất nóng, do đó, chúng tôi gặp khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân cho các quy trình này", bà cho biết.
Còn Brett - quản lý tại một nhà máy sản xuất bàn phím và bộ điều khiển trò chơi điện tử ở Đông Quan - cho biết những tháng gần đây, đơn đặt hàng của công ty ông đã giảm đi một nửa. Nhiều đồng nghiệp của ông đã chuyển đến Việt Nam và Thái Lan để tiếp tục hoạt động.
Lúc này, ông "chỉ nghĩ làm sao để sống sót qua thời điểm này". Ông cho biết, ông dự kiến sẽ sa thải 15% trong số 200 công nhân của mình ngay cả khi vẫn muốn tuyển thêm những công nhân trẻ khỏe hơn cho dây chuyền lắp ráp của mình.
Xung đột khát vọng
Lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất hướng đến xuất khẩu của Trung Quốc đã được khẳng định trong nhiều thập kỷ qua dựa trên năng suất sản xuất và chi phí lao động thấp.
Nhưng giờ đây, việc duy trì lợi thế cạnh trạnh này đang xung đột với khát vọng của một thế hệ người Trung Quốc được giáo dục bài bản hơn. Họ muốn có một cuộc sống thoải mái hơn so với thế hệ bố mẹ của họ.
Năm nay, Trung Quốc có 4,6 triệu người đăng ký học sau đại học, một con số kỷ lục. Truyền thông nước này đưa tin, chỉ riêng trong tháng này, có 6.000 đơn xin việc vào công chức.
Vì thế, thay vì tìm những công việc dưới trình độ học vấn, nhiều thanh niên Trung Quốc đang ngày càng chọn cách "nằm yên" (lying flat), làm đủ sống và từ chối cuộc sống bon chen trong các công ty ở Trung Quốc.
Theo South China Morning Post, số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 6, với mức 19,3%, tăng mạnh so với 18,4% trong tháng 5 và hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, tức cứ 5 người trẻ có 1 người không có việc làm.
Zhiwu Chen, giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, cho biết: "Tình trạng thất nghiệp của những người trẻ tuổi có thể tồi tệ hơn nhiều trước khi được khắc phục". Theo ông, đến năm 2025, có thể sẽ không thiếu nhiều công nhân nữa "vì nhu cầu chắc chắn sẽ giảm".
Cảm giác được tự do
Trở lại với Zhu, công việc đầu tiên của anh là gắn những viên kim cương giả vào các đồng hồ đeo tay. Sau đó, anh lại làm việc cho một nhà máy khác với công việc là đúc hộp thiếc cho bánh trung thu.
Nhưng sau khi nghe nhiều đồng nghiệp kể về những tai nạn khủng khiếp trong quá trình làm việc liên quan đến các tấm kim loại sắc nhọn, anh đã chọn nghỉ việc. Anh cho rằng mình có thể tránh sống như cuộc đời của cha mình.
Và hiện với công việc giao hàng và bán hàng, anh kiếm được ít nhất 10.000 nhân dân tệ (1.421,04 USD) mỗi tháng, tùy thuộc vào số giờ làm việc. Con số này gần gấp đôi so với số tiền mà anh kiếm được khi làm công nhân ở nhà máy, mặc dù có khác biệt là không còn đãi ngộ về chỗ ở. Ở nhiều nhà máy, họ có nhà ở cho công nhân.
Zhu chia sẻ, công việc giao hàng cũng rất vất vả. Nhiều nguy hiểm rình rập trên đường, chưa kể những ngày mưa, ngày gió khi đi giao hàng. "Nhưng đối với những người trẻ, công việc này vẫn tốt hơn so với làm trong các nhà máy", Zhu nói và cho biết cái tốt hơn đó là cảm giác tự do.
Sau 3 năm làm việc trong một nhà máy với mức lương 4.000 nhân dân tệ/tháng, Xiaojing, 27 tuổi, hiện kiếm được 5.000-6.000 nhân dân tệ mỗi tháng với công việc mát xa ở một khu vực cao cấp ở Thâm Quyến.
"Tất cả những người bạn trạc tuổi tôi đã rời bỏ nhà máy", cô kể và cho rằng rất khó để khiến cô trở lại. "Nếu họ trả tôi 8.000 nhân dân tệ ngoài giờ làm thêm thì chắc chắn tôi sẽ nghĩ lại", cô nói.
Nội dung: Nhật Linh