Bộ Xây dựng cảnh báo rủi ro, kiểm soát chặt đầu tư mới loại hình "condotel"
(Dân trí) - Trong một báo cáo mới đây gửi tới Quốc hội, Bộ Xây dựng kiến nghị giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp trong thời gian tới.
Theo lý giải của Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, giải pháp nêu trên nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản.
Đồng thời cũng nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay, các địa phương ven biển đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các dự án du lịch nghỉ dưỡng có công trình căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự du lịch (resort);
Còn tại một số đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh loại hình công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel).
Theo số liệu của 71 dự án bất động sản do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở từ đầu năm 2015 đến nay thì đã có khoảng 25.639 căn hộ condotel, officetel, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền.
“Nguồn cung loại hình bất động sản nghỉ dưỡng lớn và đa dạng; trong khi đó, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua”, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc về loại hình bất động sản mới như condotel, officetel...; nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến loại hình bất động sản này.
Tăng cường thanh tra, công bố vi phạm tại các dự án
Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng "nhìn chung phát triển khá ổn định". Cụ thể, giá nhà không có nhiều biến động lớn, hàng tồn kho giảm.
Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Đáng chú ý, thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin-cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực...
Đưa ra một số các giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tăng cường theo dõi, kiểm tra việc cấp tín dụng trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản của hệ thống ngân hàng thương mại đối với các dự án bất động sản.
Đồng thời yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định việc cho dãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc thu hồi dự án...
Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản. Tiến hành thanh tra, kiểm tra và công bố công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án chậm tiến độ, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình...
Nguyễn Khánh