Bộ trưởng Vương Đình Huệ: “Không quá lo về nợ công!”

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ “gạt” bỏ lo lắng Việt Nam có thể vỡ nợ như nhiều nước Châu Âu, dù nợ công năm tới có thể tăng lên mức 58% GDP (năm 2011 là 54,6%).

Không lạc quan, nhưng….

Trong phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) băn khoăn với nhận định còn chung chung là “nợ công hiện vẫn ở mức an toàn”.

“Không thể nói nợ công ở mức 60 - 65% GDP theo công thức là vẫn an toàn mà phải xét trong mối quan hệ với nhiều chỉ tiêu khác như chỉ tiêu khả năng trả nợ” - ông Lịch cảnh báo.

Cùng ở đoàn TPHCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đặt câu hỏi, mức nợ công của Việt Nam có thực sự ở mức an toàn khi so sánh với tình hình nhiều nước Châu Âu, một vài năm trước cũng khẳng định mức nợ vẫn an toàn nhưng đến giờ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ hàng loạt. Đại biểu lo lắng Việt Nam có thể rơi vào “vết xe đổ” này.

Trước những băn khoăn, nghi ngại đó, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến 31/12/2010, nợ Chính phủ là 47,5% GDP, nợ nước ngoài 42,2%, nợ công 57,3%.

Ước tính hết năm 2011, mức nợ công còn 54,6%. Năm 2012 khoảng 58% nếu tính trên cơ sở kịch bản tăng trưởng thấp (6%), còn nếu đạt được mức tăng 6,5% như kịch bản cao, tỷ lệ nợ công sẽ giảm đáng kể.
 
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: “Không quá lo về nợ công!” - 1
Đại biểu Trần Du Lịch: "Không thể nói chung chung về nợ công" (Ảnh: Việt Hưng)

“Trong cơ cấu nợ công, hơn 75% số nợ là vay ODA, vay thương mại chỉ 7%. Vay ODA thời hạn rất dài, lãi suất ưu đãi, như  khoản vay Ngân hàng thế gới WB có thời hạn 40 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất chỉ  0,75%, vay Ngân hàng châu Á ADB cũng có thời hạn 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất 1%, vay Nhật Bản thời hạn 30 năm, ân hạn 10 năm lãi suất 1-2%” – ông Huệ thông tin.

Bộ trưởng Tài chính phân tích, nợ công của ta khác với các nước phát triển, các nước đã thoát khỏi ngưỡng nghèo - tỷ lệ vay thương mại rất lớn. Hơn nữa, cách tính nợ của các nước Châu Âu khác ta (theo giá trị đồng tiền, VN theo giá trị danh nghĩa) mà nếu quy về cách tính này, tỷ lệ nợ công ở VN còn thấp hơn. Tuy nhiên, VN cũng có xu hướng vay thương mại tăng dần lên vì VN được liệt vào các nước có thu nhập trung bình.

Trong nợ chính phủ thì nợ nước ngoài (58%) có xu hướng giảm, nợ trong nước (42%) có xu hướng tăng lên – điều này giúp chúng ta chủ động hơn, giảm sự lệ thuộc nước ngoài.

Vốn ODA chủ yếu tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng… Kết quả sử dụng nợ công đã giúp ta đạt tốc độ tăng trưởng đến 7,2% trong 5 năm qua, cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết về đề án xây dựng xếp hạng tín dụng quốc gia để nâng mức tín nhiệm, đảm bảo việc vay nợ của CP cho DN thuận lợi hơn. Chính phủ sẽ chủ động giãn vay nợ ODA, tỷ lệ dành trả nợ khoảng14-16% GDP, đồng thời công khai minh bạch việc quản lý nợ (3 tháng, 6 tháng/lần). Thủ tướng đã cho thành lập Cục quản lý nợ, cơ quan chuyên môn giúp Chính phủ quản lý thống nhất vấn đề này.

“Không phải lạc quan nhưng cũng không cần quá lo lắng về nợ công, xin giữ nguyên chỉ tiêu đề xuất”, ông Huệ nhấn mạnh

Vốn đầu tư giảm từ 42% GDP xuống 34% GDP

Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, Bùi Quang Vinh cho rằng, kinh tế vĩ mô đang dần đi vào ổn định. Chỉ số lạm phát tháng 10 là 0,36% - mức thấp nhất 34 tháng qua. Tổng CPI đến thời điểm này là 17,02%, có điều kiện giữ được lạm phát cả năm là 18% theo dự báo của Chính phủ.

Về cắt giảm đầu tư công, ông Vinh cho rằng, Nghị quyết của Chính phủ không yêu cầu thu hồi vốn đã bố trí của 2011 về TƯ. Thực tế cũng “chưa cắt 1 đồng nào” trong kế hoạch đã duyệt, nhưng không kéo dài, cấp thêm vốn cho dự án 2011, không cho ứng vốn 2012.

Theo ông Vinh, việc không cho phép khởi công mới các công trình cũng có thể dẫn tới khó khăn cho địa phương và Bộ ngành vì nhiều nơi đã dồn công sức xây dựng dự án, giải phóng mặt bằng, nhưng đến hết 2010 lại bị cắt luôn. Tuy nhiên, làm như vậy để tránh dàn trải, ưu tiên cho những dự án có thể hoàn thành trong 2011.

Tóm lại, chủ yếu là sắp xếp bố trí vốn chứ không thu lại đưa về giữ ở TƯ. Đến hết tháng 9 đã điều chuyển, cắt giảm 81.000 tỷ đồng, trong đó 39.000 tỷ không bố trí cho các DNNN đầu tư.
 
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: “Không quá lo về nợ công!” - 2
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Bức xúc nhất là các dự án giao thông" (Ảnh: Việt Hưng)

Ông Vinh cho rằng, bức xúc công luận là ở 2 vấn đề, trong đó có các công trình của Bộ GT quản lý. Chính phủ không cắt đồng nào nhưng vì Bộ luôn thiếu vốn nên thường phải dùng vốn ứng của năm sau và bộ muốn thêm 3.700 tỷ đồng năm sau nữa nhưng không được bố trí.

Bộ đã sắp xếp dự án 2011, dồn lại vốn cho một số công trình nên có một số dự án đang dở dang. “Đây là lĩnh vực gây bức xúc nhất vì các dự án giao thông có ở tất cả các địa phương”, ông Vinh nói.

Thứ hai, một số công trình thuộc diện không được khởi công mới như kiên cố hóa trường học, xây nhà công vụ giáo viên, bệnh viện, nhưng các địa phương đã đấu thấu hết rồi nên vẫn cho khởi công… Ông Vinh coi đây là “vi phạm nhỏ” và đó cũng là những công trình mới nên không gây lãng phí.

Chốt lại việc tập trung cho những công trình có khả năng hoàn thành trong năm, ông Vinh cũng nhắc lại chủ trương của Chính phủ là không cho khởi công mới, trừ công trình thiên tai lũ lụt, vốn ODA, cầu yếu, cấp bách với quốc phòng an ninh…

Ông Vinh cho biết, việc bố trí vốn đầu tư đã giảm tất mạnh, chỉ 34% GDP trong khi những năm trước khoảng 42%.

Phương Thảo - Cấn Cường