Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Không để người lao động bị bỏ lại phía sau trong cách mạng 4.0"

(Dân trí) - Thảo luận với các diễn giả quốc tế, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo thị trường lao động là một trong những bài toán quan trọng của Chính phủ Việt Nam.


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với lãnh đạo các Tập đoàn nước ngoài trong phiên thảo luận về công nghệ số

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với lãnh đạo các Tập đoàn nước ngoài trong phiên thảo luận về công nghệ số

Mở đầu phiên thảo luận về công nghệ số trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) đang diễn ra tại Hà Nội, bà Lixin - Giám đốc điều hành của Caixin Global cho biết, ASEAN là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới về kinh tế số, mỗi tháng có 4 triệu người tham gia thị trường số nhưng nền kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GDP. So với Hoa Kỳ, kinh tế số chiếm 37% cho thấy còn nhiều tiềm năng.

"Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội và cả thách thức với dự báo nhiều việc làm truyền thống sẽ mất đi. Vậy điều này tác động đến Việt Nam như thế nào?", bà đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, diễn giả đại diện phía Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là một trong những nội dung phát triển quan trọng đối với Việt Nam. Nền kinh tế số, trong đó có CMCN 4.0, sẽ có tác động sâu sắc tới nền kinh tế, chính sách phát triển ngay từ bây giờ và cả trong thời gian tới.

"Cơ cấu nền kinh tế và nhất là cơ cấu lao động cũng sẽ chịu tác động. Với quy mô dân số 100 triệu người dân, có tồn tại nhất định trong trình độ lao động thì đây là bài toán quan trọng với Chính phủ", Bộ trưởng cho biết.


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội và cả thách thức với dự báo nhiều việc làm truyền thống sẽ mất đi

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội và cả thách thức với dự báo nhiều việc làm truyền thống sẽ mất đi"

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định: "Đồng hành với xu thế phát triển trên thế giới nhưng câu chuyện đảm bảo thị trường lao động cũng là bài toán để đảm bảo sự ổn định chung. Không thể để nền kinh tế, người lao động bị bỏ lại phía sau".

Dẫn lại một nghiên cứu được Bộ Công Thương thực hiện cách đây chưa lâu, Bộ trưởng cho biết, khi nghiên cứu ngành công nghiệp may mặc và da giày cho thấy, tự động hoá sẽ làm mất đi tới 86% công ăn việc làm đối với dệt may, 74% da giày trong khi đây là 2 ngành thâm dụng lao động và đóng góp nhiều vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

"Còn những ngành khác như dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp… lại đặt ra cho Việt Nam cơ hội lớn. Bài toán là cân bằng và dung hoà chiến lược phát triển rồi tiếp đó là bài toán hạ tầng, pháp lý, đào tạo nhân lực, tạo ra nhận thức của doanh nghiệp", ông nói.

Về mặt cơ hội, theo Bộ trưởng, ứng dụng các công nghệ số tiên tiến mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

Trong đó, thương mại điện tử tại Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong những năm gần đây. Dự kiến vào năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, dẫn con số cho biết 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận nền tảng mới của CMCN 4.0 cũng như kinh tế số, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đây cũng là thách thức đặt ra cho Chính phủ.

"Tác động của CMCN 4.0 sẽ rất lớn. Có cả ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định nhưng ngược lại cơ hội cũng rất lớn về đòi hỏi Chính phủ phải có sự chuyển đổi. Chúng tôi có 3 nội dung ưu tiên là: một chiến lược tiếp cận tổng thể; kế hoạch tạo ra nhận thức cho khu vực Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, người dân; kế hoạch đào tạo nhân lực tiếp cận với các nền tảng công nghệ mới. Bên cạnh đó là lưu ý phát triển hạ tầng, chú trọng khuôn khổ pháp lý", ông nói thêm.

Nối tiếp phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Gery A. Mattios - Phó Chủ tịch Tập đoàn Bain, Singapore cũng cho rằng, nền kinh tế số đã tăng rất nhanh trong vài năm qua. Ông cho rằng, hiện kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GPD của ASEAN nhưng có thể tăng gấp 5 lần, hoặc 10 lần nếu đầu tư tốt vào giáo dục, hạ tầng, chính sách.

"Xu hướng phát triển đang đi lên và ASEAN có thể trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Nhưng có một số trở ngại từ phía Chính phủ và doanh nghiệp, trong đó từ khoá là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần phải có sự hợp tác công - tư để vượt qua thách thức", ông Gery nhìn nhận.

Tại phiên thảo luận, các diễn giả cũng chia sẻ quan điểm về một số nội dung đáng chú ý như xu hướng số hóa trong khu vực, chiến lược hợp tác giữa các công ty đa quốc gia và các công ty trong nước trong tiến trình số hóa, tiềm năng và sự sẵn sàng đối mặt với cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các thách thức trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng logistics trong khu vực...

Phương Dung

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Không để người lao động bị bỏ lại phía sau trong cách mạng 4.0" - 3