Bộ trưởng Thăng yêu cầu kiểm toán "toàn bộ ngành giao thông"
(Dân trí) - Lãnh đạo cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho hay, đối với kế hoạch kiểm toán trong năm 2015, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng còn có yêu cầu kiểm toán toàn bộ các đơn vị của ngành này.
Sáng nay (20/3), chia sẻ tại buổi họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2015, ông Cao Tấn Khổng - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nói: “Năm nay rất hạnh phúc vì các đơn vị đều đề nghị chúng tôi về kiểm toán, đến thời điểm này chưa có đơn vị nào từ Bộ ngành, địa phương cho tới doanh nghiệp xin không kiểm toán. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng còn gọi điện yêu cầu kiểm toán toàn ngành giao thông vận tải!”.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Xây cao ốc trên "đất vàng" trụ sở cũ: Vinataba được hỗ trợ chi phí di dời |
Vị lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cũng chia sẻ thêm rằng: “Chương trình kiểm toán đề ra không dàn trải lắm nhưng năm nay có cái khó là lực bất tòng tâm, nhu cầu lớn nhưng đội ngũ có mức độ. Nỗ lực lớn nhất vẫn sẽ là tập trung lực lượng, khắc phục điểm yếu đó. Số lượng theo yêu cầu vẫn hạn chế mà mở rộng quá thì không phát triển được bởi khâu tuyển dụng cũng rất khó. Chúng tôi đã tuyển được cả những người tốt nghiệp bằng giỏi nhưng cũng phải kèm cặp một thời gian mới làm việc được”.
Trở lại với kế hoạch kiểm toán, trong năm nay tổng đầu mối kiểm toán là 198 (với 19 bộ, cơ quan trung ương; 50 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 48 dự án đầu tư; 35 doanh nghiệp và ngânhàng thương mại; 14 chuyên đề; 8 chủ đề kiểm toán hoạt động; 17 đầu mối kiểm toán thuộc Bộ Quốc phòng; 6 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng và cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2014).
Theo danh sách cụ thể các đơn vị và đầu mối kiểm toán, trong năm 2015 Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan tới quản lý, sử dụng vốn nhà nước và chuyên đề thực hiện đề án tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng tại các đơn vị gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam...
Kiểm toán báo cáo tài chính và chuyên đề tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước sẽ tập trung vào 33 Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, trong đó có một số cái tên nổi bật như: Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Công nghiệp Cao su; Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (PVN), Công ty TNHH MTV thông tin di động VMS (Mobifone), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco)…
Đối với riêng ngành giao thông vận tải, do hạn chế về lực lượng, không đáp ứng được yêu cầu “kiểm toán toàn ngành” của Bộ trưởng Thăng, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung vào kiểm toán chuyên đề tại một số “ông lớn” như: Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines), Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ (SBIC), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)… Bên cạnh đó, hàng loạt dự án nghìn tỷ của ngành giao thông cũng nằm trong danh sách kiểm toán như: dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên)….
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cũng báo cáo về kết quả kiểm toán trong năm 2014. Năm 2014, cơ quan này thực hiện 191 cuộc kiểm toán (35 tỉnh, 14 Bộ ngành, 37 dự án đầu tư, 21 chuyên đề, 41 quốc phòng an ninh, 40 công ty tài chính - ngân hàng). Tổng hợp 188 cuộc kiểm toán đã hoàn thành, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 23.431 tỷ đồng; kiến nghị xử lý nhiều cá nhân và tập thể liên quan tới sai phạm trong quản lý, chuyển một vụ việc liên quan tới sai phạm tại Công ty truyền thông đa phương tiện (VTC) cho cơ quan điều tra.
Phương Dung