1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bộ trưởng Tài chính: Sẽ có đề án phát hành công trái, huy động USD ở dân

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đang thiết kế đề án phát hành công trái ngoại tệ. "Chúng tôi đang thiết kế gói này, để huy động tiền ngoại tệ như USD nhàn rỗi trong dân cư", ông Phớc chia sẻ.

Thiết kế các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế

Thông tin tại buổi họp tổ Quốc hội chiều nay (29/10), ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính - đã có những chia sẻ đáng chú ý liên quan tới việc thiết kế các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế sắp tới.

Bộ trưởng Phớc cho biết, 2021 là một năm vô cùng khó khăn khi dịch Covid-19 hoành hành khốc liệt thời gian dài trên diện rộng. Vấn đề làm sao để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế được đặt ra.

Không chỉ tài chính Nhà nước, ông Phớc cho biết việc đảm bảo tài chính doanh nghiệp, người dân để phát triển cũng được tính toán. Do vậy, việc tạo ra các gói kích thích kinh tế, đảm bảo cầu tăng lên trong giai đoạn phục hồi là cần thiết.

"Chúng tôi sẽ thiết kế từng gói kích thích kinh tế để đảm bảo sự hiệu quả. Khi nền kinh tế đã phục hồi thì sau đó tăng thu, giảm chi ngân sách, kéo giảm bội chi", Bộ trưởng Tài chính nói.

Ho Duc phoc

Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại thảo luận tổ (Ảnh: Quốc Chính).

Cụ thể, 4 vấn đề theo ông Phớc, cần được tập trung để thúc đẩy phục hồi cho doanh nghiệp, đó là vốn, tháo gỡ thể chế, thị trường, nguồn nhân lực.

Riêng về vốn, Bộ trưởng cho biết đang tham mưu Chính phủ các gói kích thích kinh tế. Trong đó có gói hỗ trợ lãi suất. "Vừa rồi chúng tôi đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện gói hỗ trợ lãi suất", ông Phớc thông tin. Gói hỗ trợ lãi suất lấy từ nguồn ngân sách Trung ương, ước chừng khoảng 20.000 tỷ đồng/năm. 2 năm là khoảng 40.000 tỷ đồng.

Mức hỗ trợ là khoảng 2-3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch nhưng đủ điều kiện để vay phát triển sản xuất. Một số lĩnh vực được hưởng hỗ trợ theo tiết lộ từ người đứng đầu Bộ Tài chính, đó là du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống, các dự án công trình hạ tầng trọng yếu, trọng điểm quốc gia…

Huy động tiền USD nhàn rỗi trong dân

Ông Phớc cũng thông tin thêm, sẽ có đề án phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước. "Chúng tôi đang thiết kế gói này, để huy động tiền ngoại tệ như USD nhàn rỗi trong dân cư", ông Phớc chia sẻ. Huy động nguồn nhằm mục đích phát triển kinh tế, đồng thời sẽ đảm bảo chính sách tiền tệ.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần thiết có thể phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn để tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt, thúc đẩy rồi quay vòng vốn để bảo kinh tế phát triển. Theo kế hoạch giai đoạn 2022-2023 sẽ tăng bội chi, nhưng sang năm 2024 khi kinh tế hồi phục phát triển sẽ giảm, nhiệm vụ bội chi 5 năm vẫn đảm bảo.

Một số vấn đề giảm thuế khác cũng được lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đang cân nhắc. Mới đây Bộ Tài chính cũng thông báo lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, dự thảo đề xuất tiếp tục giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước... Tại buổi thảo luận tổ hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đây là điều kiện cho ngành ô tô tháo gỡ khó khăn và phát triển.

Về giải pháp thu, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết đang tính toán, trong đó dự kiến tập trung thu nền tảng số, sàn thương mại điện tử. Đồng thời việc mọi doanh nghiệp sẽ phải áp dụng hóa đơn điện tử từ 1/7/2022 sẽ hạn chế được buôn bán hóa đơn…