Bộ trưởng Tài chính: Đã trả hết các khoản vay lãi suất cao!

(Dân trí) - Khẳng định với Quốc hội đã kiểm soát được tình hình nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Điều rất quan trọng là các khoản vay giai đoạn 2010-213 với lãi suất rất cao tới 13% vừa qua chúng ta đã trả hết…”.

Giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan đến ngân sách Nhà nước (NSNN) trước Quốc hội chiều nay (9/6), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, giai đoạn 2011-2015 gặp nhiều khó khăn về NSNN nhưng chủ yếu là do nền tảng kinh tế vĩ mô bất lợi.

Bên cạnh việc giá dầu thô giảm sâu và giảm nhanh thì việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình hội nhập quốc tế cũng đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách những năm qua. Đặc biệt, do những khó khăn trong nội tại nền kinh tế nên chính sách thu đã được điều chỉnh và cắt giảm nhanh hơn lộ trình, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).

Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm từ 25% xuống 22%, riêng DNNVV xuống 20% ngay từ năm 2013, trong khi lộ trình đến 2020 mới giảm sắc thuế này; đồng thời, điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, từ đó khiến thu NSNN bị giảm sút.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, giải ngân ODA quá cao cùng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ lớn là nguyên nhân khiến bội chi và nợ công tăng cao.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, giải ngân ODA quá cao cùng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ lớn là nguyên nhân khiến bội chi và nợ công tăng cao.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, cơ cấu thu NSNN đang có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, giảm mạnh tỷ trọng thu từ dầu thô, tăng chi đầu tư phát triển và tăng khá nhanh.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, ngân sách vẫn tập trung chi cho con người và an sinh xã hội: Giai đoạn này, chi an sinh xã hội (không kể tiền lương) tăng 18%, tăng rất cao so với tốc độ tăng thu ngân sách. Nếu 2011 mới chỉ có 11 nhóm chi cho an sinh xã hội thì đến 2016 tăng lên 21 nhóm dẫn đến số chi ngân sách tăng cao.

Giải thích cho tình trạng bội chi ngân sách tăng cao, Bộ trưởng cho biết, giai đoạn 2014-2016, Quốc hội đã phê duyệt việc phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Vốn ODA giải ngân “quá cao” so với dự toán (dự toán cả giai đoạn 142.000 tỷ đồng, nhưng thực tế giải ngân đến 251.000 tỷ đồng”.

Hai nguyên nhân này đã dẫn đến bội chi ngân sách tăng cao. Bội chi của giai đoạn 2011- 2015 dự tính là 5% nhưng thực tế lên tới 5,8%.

“Điều này đương nhiên dẫn đến nợ công tăng cao”, ông Dũng nói. Nếu năm 2010, nợ công chiếm 50% GDP thì năm 2015 là 62,5%. Nếu xét về quy mô thì năm 2015, nợ công đã tăng 2,3 lần so với năm 2010, tăng bình quân 18,4%/ năm.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài chính khẳng định, trong năm 2016, 2017, nợ công đã được kiểm soát. “Năm 2014 chúng ta lo đỉnh nợ của năm 2016 -2017 thì đến nay chúng ta đã đẩy được đỉnh nợ”.

“Điều rất quan trọng là các khoản vay giai đoạn 2010-213 với lãi suất rất cao 13%, 12% hoặc 11%, nhưng vừa qua chúng ta đã trả hết…”, Bộ trưởng thông tin thêm.

Với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp cơ cấu lại thu ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, tới đây sẽ trình Quốc hội Luật Thuế tài sản; Luật sửa 5 luật thuế. Trong đó nhấn mạnh, điều rất quan trọng, hiệu quả là siết chặt chi tiêu, đặc biệt là siết chi thường xuyên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Điển hình là việc dự trình Chính phủ ban hành quyết định về chế độ sử dụng xe công, triển khai quyết liệt sau khi Quốc hội thông qua Luật Quản lý tài sản công. Cùng với đó là khoán chi, tinh giảm bộ máy, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập…

Với những giải pháp trên được tiến hành đồng bộ, Bộ trưởng cho rằng, nhiệm vụ tái cơ cấu lại ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công sẽ đạt hiệu quả rõ nét hơn.

Bích Diệp