Chủ tịch Quốc hội: “Quản lý nợ công không nước nào giống ta”
(Dân trí) - Theo các vị đại biểu Quốc hội, tồn tại lớn nhất về quản lý nợ công hiện nay chính là việc phân tán trách nhiệm cho 3 cơ quan. Trong khi Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phản ánh bất cập này khiến công tác kiểm toán về nợ công rất chật vật để lấy được số liệu thì Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu sửa được nội dung này thì đây sẽ là “một cuộc cách mạng” trong quản lý nợ công.
Tham gia tại buổi thảo luận tổ chiều nay (30/5) về dự án Luật nợ công (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, tồn tại lớn nhất về quản lý nợ công hiện nay đó là có tới 3 cơ quan cùng quản lý gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ở điểm này, theo nhận xét của bà, “không quốc gia nào giống chúng ta”: Phân làm nhánh, “một người đi vay, một người phân bổ, một người trả nợ”.
Ở các nước, Ngân hàng Nhà nước không phải là một thành viên của Chính phủ mà là ngân hàng trung ương của các ngân hàng. Bên đi vay, đàm phán là Bộ Tài chính và đây là cơ quan thuộc các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo lệ, NHNN lại được coi là cơ quan ngang bộ, là một thành viên Chính phủ nên được cử tham gia các tổ chức quốc tế. Tại các cuộc họp thường niên, trong khi các nước là Bộ trưởng Bộ Tài chính ngồi thì ở ta lại là Thống đốc NHNN. Còn về vay ODA lại thuộc trách nhiệm Bộ KHĐT.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tồn tại này đã “nói mãi mà không sửa được”, với lý do “cái gì cho ai làm quen rồi thì họ khó nhả ra lắm”. Bà cho rằng, nếu như sửa được nội dung này thì đây sẽ là “một cuộc cách mạng” trong quản lý nợ công.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, theo tờ trình dự thảo, Chính phủ đề nghị để nguyên để không xáo trộn bộ máy, nhưng nếu để nguyên 3 đầu mối thì sẽ rất hạn chế trong quản lý và bị động trong quản lý nợ.
Vị đại biểu dẫn chứng, thể hiện rõ nhất là ODA, Bộ KHĐT là nơi tổng hợp của các bộ, ngành, chưa gắn với trách nhiệm quyết định chi, quyết định vay với trách nhiệm trả nợ.
Ông Hàm cho rằng, nếu như dồn 3 cơ quan này về một đầu mối quản lý nợ công thì không những giảm được biên chế, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà mà đàm phán nợ công cũng trở nên thuận lợi. Khi đó, cũng sẽ có được bức tranh tổng thể của nợ công bao gồm cả nợ trong nước và ngoài nước, chứ không phải là phân mảnh rồi ghép lại như bây giờ.
Tự nhận mình là người ngoại đạo, song đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) cho biết, ông đã nghiên cứu rất kỹ về dự thảo luật này. Ông Tuấn nói: Dân gian có câu “cha chung không ai khóc”, bây giờ ba cơ quan (Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, NHNN) “dàn hàng ngang” quản lý thế này thì rất khó, cần phải có một cơ quan đầu mối để chịu trách nhiệm.
“Thông thường vay dân sự thì anh đi vay phải chịu trách nhiệm, phải đưa tài sản thế chấp ra trả, thậm chí còn bị truy tố trước pháp luật. Thế nhưng, nợ công không trả được thì Nhà nước phải trả, không trả được bây giờ thì sau này trả. Tôi đề nghị nêu rõ ai chịu trách nhiệm, phải nêu rõ được vai trò của người đứng đầu”, đại biểu tỉnh Nam Định nêu quan điểm.
Bất cập này được đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) đề cập rõ. Vị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho hay, việc phân tán trong quản lý nợ công đã khiến cơ quan kiểm toán khi làm kiểm toán Nhà nước về nợ công rất chật vật để lấy được số liệu.
“Sang Bộ Tài chính thì bảo sang Bộ KHĐT, đến Bộ KHĐT thì bảo sang NHNN. Chúng tôi phải làm gắt thì các bên mới công bố số liệu cho đoàn kiểm toán trước 1 tuần khi tới hạn kiểm toán”, ông Phớc chia sẻ.
Theo quan điểm của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính nên là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ quản lý nợ công và chịu trách nhiệm giải trình, vay và quản lý nợ công.
Bích Diệp