Bộ trưởng Lê Minh Hoan và kỳ vọng dân miền Tây từ bỏ việc ăn thịt chim trời
(Dân trí) - Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh 13 địa phương đồng bằng sông Cửu Long phải liên kết chặt chẽ, cần cách nghĩ mới, làm mới để cùng nhau vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học.
Mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn thường niên về liên kết phát triển TPHCM và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Connect) tổ chức sáng 17/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành nông nghiệp và tính liên kết vùng giữa các địa phương Tây Nam Bộ.
Liên kết là con đường duy nhất để phát triển
Ông Hoan dẫn chứng, trong nội dung một cuốn sách về tương lai hậu đại dịch Covid-19 có nhiều tranh cãi rằng ngành nào sẽ tồn tại, ngành nào sẽ mất đi, ngành nào mới thật sự thiết yếu cho xã hội. Riêng ngành nông nghiệp thì không cần tranh cãi với vai trò thiết yếu hiển nhiên vì "không có cái ăn thì không thể làm gì".
Đồng bằng sông Cửu Long lại là khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước với nhiều lợi thế tự nhiên. Tuy nhiên, ông Hoan trăn trở khi 13 địa phương vùng Tây Nam Bộ vẫn chưa phải là một thực thể thống nhất, tính liên kết còn chưa cao.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể lại câu chuyện khi còn làm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, ông mời một doanh nhân người Australia đang đầu tư tại Đồng Tháp tổ chức xúc tiến đầu tư để mời gọi các doanh nghiệp Australia khác. Tuy nhiên, vị này thẳng thắn chia sẻ các doanh nghiệp ở Australia không biết Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre ở đâu mà chỉ biết Mekong Delta (tên tiếng anh của đồng bằng sông Cửu Long) như một vùng đồng bằng rộng lớn.
Câu chuyện này khiến ông Hoan suy nghĩ không thể tiếp tục chỉ tư duy mang tính địa phương mà phải nghĩ đến liên kết để phát huy sức mạnh của cả vùng.
"Thương lái ở Cần Thơ qua Đồng Tháp, Bến Tre thu mua rồi tiêu thụ con giống ở Long An phải đi qua TPHCM. Đồng bằng sông Cửu Long không thể đóng khung ở một địa giới hành chính nào cả", ông nhấn mạnh trong nền kinh tế thị trường, quy mô thị trường sẽ đóng vai trò quyết định.
Tuy nhiên, vị bộ trưởng người miền Tây thừa nhận câu chuyện liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được nói đến 20 năm nay nhưng vẫn chưa thể thực hiện triệt để được. Một trong những lý do thường được nhắc đến là cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ.
Dù vậy, ông Hoan nhấn mạnh hạ tầng chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. Tư duy liên kết vùng giữa các địa phương, giữa chính quyền và doanh nghiệp mới đóng vai trò quyết định. Chính sách nếu được ban hành mà không có sự tham gia góp ý của doanh nghiệp luôn có khoảng cách với thực tiễn. Do đó, bản thân các cơ quan quản lý cũng luôn muốn đồng hành với doanh nghiệp, người dân để đưa ra các chính sách, mô hình hiệu quả trong thực tế.
Cùng nhau vượt qua biến đổi khí hậu
"Đứng trước sự thay đổi, người ta cân nhắc quá nhiều cái giá phải trả để thay đổi nhưng ít khi nào cân nhắc cái giá phải trả nếu không chịu thay đổi. Nhiều khi cái giá đó còn cao hơn rất nhiều. Tại sao chúng ta cứ thấp thỏm, âu lo, bị ám ảnh vì biến đổi khí hậu mà không nghĩ ngược lại rằng cách ngược lại để đồng bằng vẫn phát triển dù chịu tổn thương vì biến đổi khí hậu", ông Hoan gợi mở vấn đề cho lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp tham dự diễn đàn.
Bộ trưởng nhấn mạnh nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nông nghiệp Việt Nam đang đối diện thách thức từ biến đổi khí hậu, môi trường đến thay đổi xu thế tiêu dùng. Nền kinh tế xanh đang là xu hướng của thế giới.
Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn loay hoay ở tư duy sản lượng. Theo ông, để làm ra sản lượng lớn, nền nông nghiệp đang đánh đổi nhiều chi phí, trong đó có những chi phí chưa nhìn thấy rõ khi sản xuất làm biến dạng, tổn thương hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Đó chính là chi phí hình ảnh thương hiệu của một nền nông nghiệp.
Ông Hoan thuật lại câu chuyện lãnh đạo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam mong muốn ông thúc đẩy các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xóa bỏ việc ăn thịt chim trời. Theo ông, đó tưởng là một câu chuyện nhỏ nhưng đặt ra vấn đề rất nghiêm túc về bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường.
Bộ trưởng Nông nghiệp cho rằng đã đến lúc vùng đồng bằng sông Cửu Long cần một cách tư duy khác, sản xuất khác, sống khác, nghĩ mới hơn, lớn hơn. Ông mong muốn thay vì những than phiền, cảm xúc tiêu cực, cả chính quyền, doanh nghiệp, thương lái, người nông dân cùng ngồi lại với nhau để đưa ra ý tưởng, sáng kiến rồi hành động.
"Tôi mong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bằng sự hợp tác công tư, chính chúng ta sẽ là những người trực tiếp làm việc để tự hào sau 20 năm nữa vượt qua biến đổi khí hậu một cách vững chãi, có một đồng bằng mang thương hiệu thế giới", ông Hoan kết thúc bài phát biểu.