Bộ trưởng Công Thương giải trình về điện, thép, nhập siêu
(Dân trí) - Là những vấn đề “nóng” được nhân dân, cử tri cả nước quan tâm, phiên họp Quốc hội sáng nay 1/10 đã dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng 15 phút để nói về cung ứng điện - quy hoạch ngành thép - nhập siêu.
Cung ứng thép vẫn ổn định
Cung ứng điện chậm do thiếu vốn
Báo cáo tại Quốc hội về tình hình cung ứng điện và thiếu điện thời gian qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận “có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Trước hết, chúng tôi thấy có trách nhiệm về mặt chỉ đạo, đó là, việc thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 6 từ năm 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2015. Nếu thực hiện đúng theo quy hoạch 6, chúng ta đã không xảy ra tình trạng thiếu điện như vừa rồi”.
Theo Bộ trưởng Hoàng, các kịch bản về tăng trưởng phụ tải điện dự báo trong tổng sơ đồ 6 cho đến hôm nay vẫn thể hiện sự đúng đắn. Theo tính toán từ giai đoạn 2006 đến 2015, bình quân 1 năm Việt Nam tăng phụ tải điện 16 - 17% và trên thực tế các năm qua, từ 2007 đến 2010 chúng ta cũng tăng ở mức đó, tức khoảng 15 - 16%.
Năm nay dự báo chúng ta tăng khoảng 15 - 17%. Như vậy, dự báo của chúng ta về nhu cầu điện là tương đối phù hợp với diễn biến nhưng trên thực tế, việc huy động các nguồn điện vào sản xuất và cung ứng điện có chậm trễ.
Việc chậm trễ này có nhiều lý do và lý do chủ yếu phải kể đến là thiếu vốn, dẫn đến một số công trình ngành điện ảnh hưởng đến tiến độ. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số nhà phát điện độc lập (gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam) là ba đơn vị chủ lực tham gia vào việc xây dựng và cung ứng điện.
Để khắc phục tình hình thiếu điện hiện nay, cũng như trong các năm tới, giải pháp quyết liệt nhất theo sự chỉ đạo của Chính phủ là phải đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình ở nguồn điện theo tổng sơ đồ 6 và sắp tới là tổng sơ đồ 7.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương và các ngành phải nhanh chóng đưa những công trình nhiệt điện mới xây dựng như: Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh…đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do những khiếm khuyết về mặt kỹ thuật, các nhà máy này trong giai đoạn chạy thử chưa thật sự ổn định.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong hai tháng cuối năm, Bộ sẽ trình Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành điện, mà trọng tâm là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xây dựng các phương án để chủ động cung ứng điện; đảm bảo nhu cầu điện cho các nhu cầu sản xuất thiết yếu và phục vụ đời sống nhân dân trong năm 2011- 2012.
“Chúng tôi đang chỉ đạo EVN triển khai việc tính toán, phối hợp với một số Bộ ngành, địa phương rà soát lại các công trình sử dụng điện không hiệu quả hoặc lãng phí, công nghệ lạc hậu, gồm có cả dự án thép, dự án trong lĩnh vực công nghiệp. Chúng tôi đang làm và báo cáo Chính phủ trong cuối năm nay”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Chỉ triển khai các dự án thép trong quy hoạch
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương: Có tình trạng một số dự án thép nằm ngoài quy hoạch là do một số địa phương; đặc biệt là địa phương còn nghèo, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn muốn có dự án đầu tư vào để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp. Chính vì thế không tránh khỏi tình trạng chỗ này, chỗ kia, thời điểm này, thời điểm khác có những dự án chưa nằm trong quy hoạch.
Bộ Công Thương đã phối hợp với các ngành, địa phương rà soát lại ngành thép trên tinh thần: Không có quy hoạch “mềm”, chỉ có quy hoạch “cứng” - dự án nằm trong hoạch - mới được phép triển khai; Qua rà soát kiểm tra nếu phát hiện thấy những dự án thép nằm ngoài quy hoạch, không có hiệu quả, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng phải yêu cầu thay đổi công nghệ, thiết bị, thậm chí là đình chỉ, chấm dứt hoạt động. Bộ cũng tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp các ngành, các địa phương để đảm bảo quy hoạch thép hướng tập trung vào sản xuất các dự án sản xuất phôi thép, hạn chế các dự án sản xuất thép sản phẩm. Vì hiện nay chúng ta thiếu phôi thép chứ không thiếu thép sản phẩm, nhất là thép xây dựng.
Nhập siêu giảm dần
Nhưng theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tới Quốc hội, tỷ lệ nhập siêu còn cao nhưng chúng ta đã có những bước tiến bộ nhất định. Năm 2007, chúng ta nhập siêu khoảng 14 tỷ USD, 2008: 18 tỷ USD; 2009: 12,8 tỷ USD, còn năm 2010 trong báo cáo ước thực hiện được xây dựng từ tháng 9 là 13,5 tỷ USD.
Trên thực tế, qua 10 tháng thực hiện và dự báo 2 tháng cuối năm là khoảng 12 tỷ USD, thấp hơn so với dự báo. Theo chiều hướng đó, từ 2008 đến nay, mỗi năm đều có giảm, dù mức giảm chưa lớn. Tỷ lệ nhập siêu/kim ngạch xuất khẩu cũng liên tục giảm, năm 2007 là gần 30%, năm 2008: 28,8%; 2009: 22,5% và 2010 khoảng 18%.
“Việc chúng ta khắc phục nhập siêu đòi hỏi một quá trình lâu dài chứ không thể ngày một ngày hai, nhất là trong điều kiện chúng ta tập trung đầu tư rất nhiều cho kinh tế, xây dựng các năng lực sản xuất mới cho các năm sau. Ví dụ như xây dựng một nhà máy nhiệt điện công suất khoảng 1.200 MW, với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, tương tương với việc chúng ta xuất khẩu 6 triệu tấn gạo/năm”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng so sánh.
Nguyễn Hiền